The Washington Post: Việt Nam đã trở thành câu chuyện thành công ngoại lệ trong cuộc chiến chống Covid – 19
Theo The Washington Post, mặc dù có đường biên giới hơn 1.000 km giáp Trung Quốc – nơi khởi phát dịch Covid-19 và điều kiện kinh tế còn khó khăn song cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam đã trở thành câu chuyện thành công ngoại lệ khi đất nước hình chữ S chỉ ghi nhận 270 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong nào.
Tính đến 7h sáng ngày 2/5 theo giờ Việt Nam, Mỹ có tổng cộng 1.130.786 ca nhiễm Covid – 19 và 65.724 ca tử vong. Với con số này, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ đã ngang ngửa với số người tử vong do cúm mùa ở Mỹ năm 2017-2018. Giới chuyên gia dự đoán, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ có thể lên đến 74.000 người vào đầu tháng 8 tới.
Trong khi đó Việt Nam không ghi nhận trường hợp lây nhiễm Covid-19 nào trong suốt 16 ngày qua. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 270 ca nhiễm bệnh, không có trường hợp tử vong nào và bắt đầu nới lỏng các cách ly xã hội, cho phép mở lại các nhà hàng, quán xá, từng bước đưa cuộc sống hàng ngày tại các thành phố lớn dần trở lại bình thường. Tại cuộc họp thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid -19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam cơ bản đã đẩy lùi được Covid-19”.
Không nổi tiếng về công nghệ như Hàn Quốc, Đài Loan; cũng không phải là nơi có diện tích nhỏ và dễ kiểm soát như Hong Kong hay Iceland, vậy tại sao Việt Nam lại thành công trong cuộc chiến chống Covid – 19? Trải lời cho câu hỏi này, Robyn Klingler-Vidra từ King College London và Ba-Linh Tran của Đại học Bath đã xác định 3 chiến thuật quan trọng được Chính phủ Việt Nam sử dụng rộng rãi: sàng lọc; kiểm tra nhiệt độ, khóa mục tiêu và liên lạc liên tục.
Dĩ nhiên không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia sử dụng biện pháp xét nghiệm hàng loạt; thậm chí số lượng thử nghiệm thô của Việt Nam (200.000 xét nghiệm) còn ít hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác (Hoa Kỳ thực hiện hơn 5 triệu xét nghiệm).
Sau khi phát hiện ca nhiễm Covid – 19 đầu tiên ở 3 du khách trở về từ Vũ Hán vào tháng 1, Việt Nam bắt đầu thực hiện xét nghiệm sớm; đồng thời tăng cường sản xuất kit thử nghiệm trong nước. Việt Nam cũng tiến hành theo dõi liên lạc rộng rãi song song với việc cách ly nghiêm ngặt những người nghi ngờ nhiễm Covid-19 tại các cơ sở do Chính phủ quản lý. Chính phủ cũng sử dụng tin nhắn văn bản và các ứng dụng hiện đại để thông tin tình hình dịch bệnh tới người dân; đồng thời công bố lượng lớn dữ liệu và thông tin về sự bùng phát dịch bệnh trên website của Bộ Y tế.
Theo ghi nhận của một số chuyên gia y tế Hoa Kỳ, họ rất tin tưởng vào số liệu tình hình dịch bệnh mà Chính phủ Việt Nam công bố bởi đất nước hình chữ S cũng từng chịu ảnh hưởng của hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS vào năm 2003. Trong cuộc chiến với SARS, Việt Nam cũng được quốc tế ca ngợi là quốc gia đầu tiên ngăn chặn lây truyền tại địa phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/4 đã gửi lời cảm ơn tới Việt Nam cùng 2 doanh nghiệp Mỹ đã vận chuyển nhanh chóng 450.000 bộ quần áo bảo hộ y tế DuPont hazmat được sản xuất tại Việt Nam để hỗ trợ Mỹ chiến đấu chống lại dịch bệnh. “Thành công của Việt Nam đến từ sự quyết đoán ngay từ khi dịch bệnh bùng phát – thời điểm mà Hoa Kỳ vẫn còn mông lung chưa xác định được chiến thuật để đối phó với Covid – 19” – The Washington Post nhận xét.
Ân Thuyên