Việt Nam có phải điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp FDI trong chiến lược Trung Quốc +1?
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng với việc sở hữu những lợi thế đặc thù so với Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp FDI trong chiến lược Trung Quốc+1. Tuy nhiên cũng có một số chuyên gia có cái nhìn ngược lại…
Với dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào so với các quốc gia Đông Nam Á, hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối tốt, GDP đã được cải thiện gần 8%.., Việt Nam thực sự nổi lên như một vành đai công nghiệp – công nghiệp phụ trợ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt chính sự tương đồng với Trung Quốc là tiêu chí hàng đầu để các doanh nghiệp FDI quyết định chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên thay vì từ bỏ hoàn toàn Trung Quốc, các nhà đầu tư chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất bổ sung, gọi nôm na là chiến lược Trung Quốc+1.
Nhằm tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn biện pháp đa dạng hóa thị trường để nếu có biến cố xảy ra ở Trung Quốc, họ vẫn không rơi vào thế bị động. Trước đây Trung Quốc có lợi thế chi phí nhân công rẻ nhưng hiện tại lợi thế này đã không còn nữa. Trong tình hình đó, dĩ nhiên Việt Nam với nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ là điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp FDI. Hơn nữa xét trên nhiều phương diện, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn cởi mở, thông thoáng hơn đối với một công ty nước ngoài.
Quả thực so với Trung Quốc, Việt Nam sở hữu những lợi thế rất đặc thù trong sản xuất. Tuy nhiên các chuyên gia lại phủ nhận việc Việt Nam có thể thay thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo lý giải của họ, dân số của Việt Nam (95 triệu dân) chưa bằng tỉnh Quảng Đông – Thủ phủ của các đặc khu kinh tế Trung Quốc với 110 triệu dân. Thành phố công nghiệp khổng lồ này là cứ điểm sản xuất của các “ông lớn” như: Foxconn, Huawei, ZTE…Sức hấp dẫn của Quảng Đông đến từ khả năng tiếp cận dễ dàng với Hồng Kông và các cảng ven biển, là nền tảng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.
Giáo sư Alex Capri thuộc Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore nhận định Việt Nam khó có thể trở thành Trung Quốc tiếp theo bởi đất nước 95 triệu dân không có quy mô lớn và nền tảng vững chắc như Trung Quốc. Gần 3 thập kỷ, Trung Quốc đã dồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại. Điều quan trọng là quốc gia này đóng vai trò cũng như chiếm tỷ trọng lớn trong các lĩnh vực nhất định của chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng quan điểm, ông Simon Baptist – Kinh tế trưởng của The Economist Intelligence Unit cho rằng nền sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và các nước khác ở Đông Nam Á, nhất là về nguồn nguyên liệu. Đơn cử với ngành công nghiệp ô tô, mặc dù Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đầu tư cho ngành công nghiệp tiềm năng này song kết quả là thị trường ô tô lại rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu, doanh thu – lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm. “Sẽ hợp lý hơn nếu Việt Nam chuyển hướng sang phát triển lĩnh vực điện tử. Tất nhiên một phần là sự lựa chọn có chủ ý nhưng cũng là kết quả của việc Samsung đầu tư rất lớn vào Việt Nam” – ông Simon Baptist nhấn mạnh.
Còn theo ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), rất nhiều doanh nghiệp trong làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ không quay lại. Covid-19 không phải là lỗi của Trung Quốc song đây lại là chất xúc tác thúc đẩy mạnh mẽ quyết định sang Việt Nam của nhiều công ty. Nói cách khác, Covid-19 đã cho các công ty thêm một lý do để chuyển đến Việt Nam thay vì cứ bám trụ với Trung Quốc. Đây có thể cũng là xu thế tương lai mà cả nhân loại sẽ tiếp tục chứng kiến.
Kim Phương