Việt Nam phục hồi kinh tế hậu Covid-19 – Cơ hội và thách thức….
Từ sáng ngày 23/4, Việt Nam đã bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm nghiêm ngặt và hạn chế giãn cách xã hội cho phép cuộc sống ở các thành phố lớn dần được trở lại bình thường. Tuy nhiên bên cạnh những nỗ lực tuyệt vời của Chính phủ trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19, “nút thắt” hiện nay chính là những hạn chế về nguồn lực tài chính mà Việt Nam nói riêng – tất cả các quốc gia đang phát triển nói chung phải đối mặt để đối phó với các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế
Việt Nam được báo chí quốc tế ví như “hình mẫu” chống dịch trên thế giới khi đến nay chỉ ghi nhận 268 ca nhiễm Covid-19, chưa có trường hợp tử vong nào và đã thực hiện tới hơn 180.000 xét nghiệm. Trong báo cáo công bố gần đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) xếp kinh tế Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất châu Á năm 2020 với tốc độ tăng trưởng được dự báo ở mức 2,7%. Tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng thấp so với con số 7,02% được ghi nhận vào năm ngoái. Về phía các nhà kinh tế của UBS – ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ còn có cái nhìn bi quan hơn khi cho rằng dự báo tốc độ tăng trưởng 1,6% của chính họ có thể sẽ còn bị hạ thêm.
Cũng như các quốc gia khác tên thế giới, Covid-19 gây tác động rất lớn đến sức khoẻ con người cũng như các ngành kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là ngành du lịch. Với việc đóng góp tới 5,9% tổng GDP, ngành “công nghiệp không khói” đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam, quan trọng hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác. Đó là lý do Việt Nam cần dồn lực để vực dậy ngành du lịch trong nước ngay từ bây giờ.
Bên cạnh sự suy yếu của ngành du lịch, khả năng cung cấp các loại hình hỗ trợ kinh tế và tài chính của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Vào cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 84 tỷ USD – tương đương khoảng 3,8 tháng nhập khẩu. So với các nước trong khu vực, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp (Indonesia đạt 126,7 tỷ USD, tương đương với 7,5 tháng nhập khẩu; Thái Lan đạt 222 tỷ USD, tương đương 10 tháng nhập khẩu). Đó là chưa kể đến hơn 40% tổng số nợ được bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam là bằng ngoại tệ. Đây chính là bất cập lớn mà Chính phủ Việt Nam cần tập trung xử lý, nhất là trong bối cảnh tỷ giá hối đoái tương đối cố định.
Tuy nhiên bên cạnh những điểm bất lợi, Việt Nam vẫn có cơ hội rất lớn để phục hồi sau Covid – 19; đặc biệt việc tự do hóa hơn nữa phần lớn thương mại châu Á được cam kết bởi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP sẽ tiếp tục mang đến những lợi ích lớn lao cho Việt Nam. Hơn nữa trong làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp FDI, hiển nhiên Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng hàng đầu. Tuy nhiên việc nối lại những xu hướng này có thể sẽ cần ít nhất một năm nữa và ngay lúc này Việt Nam cần phải quyết liệt hành động để thúc đẩy nền kinh tế tạm thời.
Chắc chắn một điều không có quốc gia nào dễ dàng trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và các tác động của nó đến nền kinh tế. Và với các nền kinh tế mới nổi, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Đó là lý do các nhà đầu tư cần chuẩn bị cho sự phục hồi chậm ở các nền kinh tế như vậy.
Hạnh Phúc