Chính phủ ưu tiên xuất khẩu số lượng gạo đang nằm tại cảng
Ngày 22/4, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì cuộc họp với các địa phương và doanh nghiệp bàn về giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Đến thời điểm hiện tại, các địa phương và doanh nghiệp vẫn chưa hết bức xúc về những bất cập trong cơ chế điều hành xuất khẩu gạo những ngày gần đây. Đại diện tỉnh Long An cho rằng, việc hạn chế xuất khẩu gạo là không bình thường trong bối cảnh năng suất lúa vụ Đông Xuân ở Đông bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mùa. Lượng gạo không giảm, khả năng có thể xuất khẩu từ 5-6 triệu tấn và bảo đảm dự trữ 3 triệu tấn, đáng lẽ phải tăng cường xuất khẩu thì nay lại hạn chế là bất bình thường. Không nên áp dụng hạn ngạch.
Đại diện tỉnh Long An đề xuất giải pháp dự trữ an ninh lương thực nên giao trách nhiệm về từng địa phương, địa phương giao cho doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu không bảo đảm được vấn đề này thì địa phương phải chịu kỷ luật. Đồng thời đề nghị nhanh chóng giải quyết thông quan cho lượng gạo đang nằm tại các cảng.
Đồng tình với kiến nghị trên, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ cho biết các doanh nghiệp của Cần Thơ đang tồn 76.181 tấn gạo tại các cảng, trong đó có 46.123 tấn gạo đã mở tờ khai hải quan từ tháng 3. Mỗi ngày gạo nằm trên cảng là một ngày thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Ông Nam đề nghị ưu tiên cho doanh nghiệp tiếp tục mở tờ khai thông quan với những lô hàng còn dở dang và mở tờ khai thông quan với lô hàng đang nằm tại cảng.
Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện tỉnh cũng đang tồn 12.701 tấn gạo tại cảng.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ tính đến ngày 15/3, cả nước xuất khẩu 1,3 triệu tấn gạo, tương ứng xuất khẩu 25.000 tấn/ngày. Thời điểm đó, nhiều nước có chiến lược hút gạo rất lớn từ Việt Nam, nếu tốc độ này được duy trì đến cuối tháng 5, ta có thể xuất thêm 1,8-1,9 triệu tấn gạo. Trong khi đó, cân đối cung cầu cho thấy chỉ có hơn 3 triệu tấn trước khi vụ hè thu thu hoạch xong.
Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 23/3, căn cứ vào số liệu thống kê tổng quát, các bộ, ngành nhận định có rủi ro lớn về vấn đề cung gạo, an ninh lương thực quốc gia đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng do dịch bệnh. “Lúc đó, có 2 yếu tố rất khó xác định là tình hình dịch bệnh và tâm lý của người dân. Bình thường xuất khẩu thì không có vấn đề gì nhưng khi người dân có tâm lý mua gạo dự trữ và nếu mỗi gia đình chỉ mua thêm 20 kg thôi thì chúng ta lấy đâu ra gạo”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh và khẳng định thời điểm cuối tháng 3, khi dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, Chính phủ buộc phải có quyết định về vấn đề này.
Theo ông Trần Quốc Khánh, việc dừng đưa container qua các cửa khẩu, dừng khai thác các đường bay quốc tế, giãn cách xã hội, dừng lưu thông đường bộ… đã được xác định là gây thiệt hại lớn về kinh tế nhưng là những quyết định cần thiết để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Nếu ở thời điểm này, khi cả nước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh để bình luận về các quyết định của Chính phủ khi dịch COVID-19 đang đạt đỉnh vào cuối tháng 3 là không phù hợp. Ông Khánh mong các địa phương, doanh nghiệp chia sẻ khó khăn và đồng hành với Chính phủ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhận trách nhiệm trước những bất cập phát sinh khi triển khai một quyết định chưa từng có trong nhiều năm qua, đó là áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo và cho biết, cuộc họp này là để bàn về cách điều hành xuất khẩu gạo trong những ngày tới, cho tháng 5/2020.
Theo đó, liên quan đến việc một doanh nghiệp đến từ An Giang cho biết gần 10.000 tấn gạo của doanh nghiệp cập cảng Mỹ Thới, An Giang trước ngày 24/3, thực hiện thành công tờ khai hải quan chiều ngày 11/4 và chuẩn bị đưa hàng lên tàu thì đến ngày 14/4, toàn bộ tờ khai của doanh nghiệp biến mất trên hệ thống hải quan.
Với các trường hợp như trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã cam kết chuyển các lô hàng này vào hạn ngạch 100.000 tấn gạo vừa được tạm ứng. Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ xử lý nhanh các lô hàng này.
Trước mắt, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Tổng cục Hải quan thống nhất phương án giải quyết theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, rà soát báo cáo lượng gạo tồn kho tại cảng có xác nhận của doanh nghiệp, hải quan và cảng vụ.
Đối với hạn ngạch 100.000 tấn gạo vừa được tạm ứng, sẽ xử lý trên nguyên tắc thứ tự nhập cảng, ưu tiên những lô hàng đưa vào cảng trước ngày 24/3. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ rà soát toàn bộ tờ khai có biểu hiện khai khống giữ chỗ, nếu phát hiện sẽ thu hồi để bổ sung xử lý cho các lô hàng đang nằm tại cảng.
Về việc có nên tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất gạo hay không, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản chỉ đạo việc này. Hiện tại, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương rà soát tình hình, lắng nghe các địa phương, doanh nghiệp, phối hợp cùng Bộ Tài chính, hải quan và các đơn vị liên quan tổng hợp tham mưu cơ chế điều hành xuất khẩu gạo cho phù hợp với tình hình mới, dự kiến sẽ trình Thủ tướng trước ngày 25/4.
Duy Anh