Nâng cao nghiệp vụ của cán bộ nhân viên hải quan trong kiểm soát rượu nhập khẩu
Trước tình trạng nhập lậu và sản xuất rượu giả ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; vấn đề tăng cường kiểm soát rượu giả, rượu nhập lậu tiếp tục được ngành Hải quan ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, một trong những biện pháp trọng tâm của ngành là chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ – nhân viên hải quan trong công tác chống buôn lậu và làm nhái, làm giả mặt hàng rượu; qua đó kiểm soát tốt hơn nạn rượu giả, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Đây cũng là nội dung chính của Hội thảo tập huấn, kiểm soát xuất nhập khẩu mặt hàng rượu do Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức tại Tp.HCM.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Văn Ba – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết theo đánh giá của Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam đứng thứ 16 thế giới về tiêu thụ rượu, trong đó có tới 77% đàn ông và 11% phụ nữ trông cả nước uống rượu, 80% gia đình có sử dụng rượu. Còn theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2016 Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu, trong đó rượu công nghiệp khoảng 70 triệu lít/năm, còn lại rượu thủ công chiếm hơn 200 triệu lít.
Do nhu cầu tiêu thụ lớn, lại thu được lợi nhuận cao nên thời gian qua nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp trong nước đã cố tình sản xuất rượu giả, rượu nhái các nhãn hiệu rượu nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nướ. Hậu quả là không chỉ gây nhầm lẫn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng cho người tiêu dùng mà còn gây thất thu thuế cho nhà nước, ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của ngành rượu trong nước cũng như quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh rượu chân chính.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho biết có tới gần 80% lượng rượu hiện được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế, do vậy chất lượng không được đảm bảo. Còn theo một nghiên cứu điều tra quốc gia do PGS.TS Lưu Bích Ngọc – Viện trưởng Viện Dân số&Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện với quy mô quốc gia tại 6 vùng kinh tế – xã hội của Việt Nam từ tháng 11-2014 đến tháng 1-2016 cho thấy rượu không kiểm soát được ở Việt Nam rất cao, chiếm tới 75% tổng lượng rượu tiêu thụ. Loại rượu này chất lượng kém và là nguyên nhân gây ra ngộ độc, hàng năm gây thất thu ngân sách lớn (ước 2.000 tỷ đồng theo dự thảo tờ trình của Bộ Y tế).
Tác hại khôn lường là thế song theo cơ quan chức năng, trên thực tế các vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh rượu nhập lậu, rượu giả bị phát hiện rất ít. Một trong những nguyên nhân là do doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu còn chưa mặn mà với việc phối hợp cùng lực lượng chức năng để kiểm soát mặt hàng rượu; trong khi đó cuộc chiến đấu tranh, kiểm soát chống gian lận thương mại đối với mặt hàng rượu, đặc biệt là rượu ngoại nhập, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bộ ngành và các địa phương trong cả nước, đặc biệt sự phối hợp với các chủ thể quyền là rất quan trọng. “Chính vì vậy để bảo vệ quyền lợi của chính các doanh nghiệp cũng như sức khỏe của người tiêu dùng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải tích cực chung tay với lực lượng Hải quan và các lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống rượu lậu, rượu giả” – ông Nguyễn Phi Hùng – Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu nhấn mạnh.
Cùng với việc kêu gọi sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu trong nước, ông Hùng cho biết ngành Hải quan cũng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng rượu, đảm bảo đúng quy định pháp luật và sức khỏe của người tiêu dùng. Theo đó việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm đấu tranh cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hải quan cũng sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.
Phước Tài