Nền kinh tế Đức “đuối sức” sau thời gian tăng trưởng phi mã
Đức vốn từng được coi là cỗ máy kinh tế chủ chốt của khu vực châu Âu song nền kinh tế hàng đầu này hiện đang trong tình trạng trì trệ. Lãnh đạo các doanh nghiệp Đức đang hết sức quan ngại về tình hình chung của EU và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khi mà các chỉ số về động lực kinh doanh tại cường quốc này đang ở ngưỡng “chạm đáy” trong vòng 1 năm trở lại đây.
Đức là một đất nước có nền kinh tế hùng mạnh thứ 4 trên thế giới và lớn nhất khu vực châu Âu. Cường quốc này còn luôn được đánh giá là có văn hóa doanh nghiệp rất chuyên nghiệp và hiệu quả. Doanh nhân Đức không xem tối đa hóa lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, chính vì vậy bên cạnh bài toán kinh doanh để thu được lợi nhuận, người Đức luôn coi trọng việc tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức nghề nghiệp và quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ hậu mãi nhằm đảm bảo phát triển doanh nghiệp bền vững.
Vì tương đối nghèo về nguyên liệu nên kinh tế Đức tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên thời gian gần đây mức tăng trưởng của ngành sản xuất, dịch vụ đang dần yếu đi và nền kinh tế Đức đã có những biểu hiện “tụt dốc”. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế – CEBR , từ vị trí thứ 4 trong Top 10 nền kinh tế quyền lực nhất thế giới, Đức sẽ tụt xuống vị trí thứ 6 vào năm 2022 khi các nước châu Á có những tác động làm thay đổi đáng kể tới nền kinh tế thế giới.
Còn ở thời điểm hiện tại, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế IFO (trụ sở tại Munich), hoạt động kinh doanh trong 4 ngành sản xuất, dịch vụ, thương mại và xây dựng tại cường quốc này đều giảm. Ngoài ra hoạt động kinh doanh trong các ngành công nghiệp, xuất khẩu cũng suy yếu do Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu. Giới chức kinh tế Đức bày tỏ quan ngại các màn công kích mạnh mẽ trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu Đức.
IFO còn cho biết Chỉ số môi trường kinh doanh tại Đức cũng giảm xuống còn 101,8 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Thực tế này cho thấy sau thời gian tăng trưởng phi mã, nền kinh tế Đức đang có dấu hiệu “đuối sức”. Tuy nhiên loại trừ khả năng Đức sẽ rơi xuống vực thẳm suy thoái, hầu hết các nhà kinh tế đều tin tưởng nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng chậm hơn 2,5% so với mức tăng của năm ngoái.
Việt Hùng