Vinamilk đưa sữa Ông Thọ sang Trung Quốc giữa đại dịch Covid-19
Sau khi được chính thức cấp mã số xuất khẩu vào Trung Quốc cuối tháng 02/2020, chỉ sau chưa đầy 2 tháng, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phải thực hiện nghiêm túc các qui định phòng chống dịch cũng như cách ly xã hội nhưng vào ngày 16/04/2020, Vinamilk đã hoàn tất các công đoạn sản xuất để xuất khẩu lô sữa đặc Ông Thọ đầu tiên sang Trung Quốc, trong khi nước này vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiệm ngặt.
Cùng với hợp đồng xuất khẩu sữa có giá trị 20 triệu USD với một đối tác tại Gulfood Dubai vào đầu năm nay, thì sự kiện xuất khẩu chính ngạch lô sữa đặc Ông Thọ sang Trung Quốc lần này của Vinamilk thật sự là tín hiệu lạc quan của Vinamilk cũng như đối với ngành sữa Việt Nam nói chung. Đồng thời, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong điều kiện xuất khẩu đang giảm tốc trong Quý 1/2020.
Về phía Vinamilk, từ sau sự kiện ra mắt thành công tại Trung Quốc vào tháng 10/2019 cho đến nay, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nhưng Vinamilk vẫn liên kết chặt chẽ với các đối tác Trung Quốc trong việc xuất khẩu đa dạng các sản phẩm từ sữa và nước giải khát của Vinamilk. Hiện nay, tuy Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thực hiện việc ngăn ngừa dịch bệnh nhưng các đối tác Trung Quốc đã cùng với Vinamilk triển khai các kế hoạch nhập các loại sản phẩm khác của Vinamilk, trong đó có Sữa đặc có đường nhãn hiệu Ông Thọ – sản phẩm truyền thống thế mạnh Vinamilk và được yêu thích bởi người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.
Đại diện Vinamilk cho biết, tại Trung Quốc, xu hướng nhập khẩu sữa đặc có tiềm năng tăng trưởng, cụ thể sản lượng nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm từ 2016 đến 2019. Trong khi đó, sữa đặc lại là một trong những dòng sản phẩm chủ lực của Vinamilk, được công ty xuất khẩu từ năm 1997-1998. Tính đến nay, sản phẩm này có mặt tại 30 quốc gia bao gồm các nước có tiêu chuẩn cao như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… với tổng sản lượng xuất khẩu đạt hơn 208.000 tấn, là thương hiệu được người tiêu dùng cũng như các đối tác quốc tế tin tưởng.
Chính vì vậy, đây sẽ là cơ hội cho Vinamilk trong việc gia tăng doanh thu xuất khẩu tại Trung Quốc, đồng thời phấn đấu đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu sữa đặc lớn nhất vào Trung Quốc về sản lượng.
Ông Võ Trung Hiếu – Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk chia sẻ thêm: “Tuy vừa phải sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch và cách ly xã hội, vừa phải bảo đảm cung ứng đầy đủ sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước nhưng công ty vẫn tập trung nghiên cứu sản phẩm, xây dựng kế hoạch sản xuất đảm bảo đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu nói chung và cho thị trường Trung Quốc nói riêng. Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng và Vinamilk đã có những kế hoạch phù hợp để phát triển cũng như tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân này trong giai đoạn 2020-2021”.
Container sữa đặc đầu tiên của Vinamilk xuất sang Trung Quốc lần này được sản xuất tại Nhà máy Sữa Thống Nhất, một trong những nhà máy dày dặn kinh nghiệm trong việc sản xuất sữa đặc xuất khẩu đi các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản…
“Với năng lực sản xuất lớn, công nghệ chế biến hiện đại và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế, Vinamilk hoàn toàn có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn đến từ các thị trường khó tính nhất trên thế giới” – Đại diện Vinamilk cho biết thêm. Hiện nay, có 5 trong 13 nhà máy của Vinamilk trên cả nước đang sản xuất sản phẩm sữa đặc, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Các nhà máy đều được đầu tư máy móc tự động hiện đại, nhập khẩu từ G7/Châu Âu…
Là doanh nghiệp sữa đứng đầu thị phần trong nước, những năm gần đây, Vinamilk liên tiếp đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế nhằm đẩy mạnh tăng trưởng. Doanh thu xuất khẩu của Vinamilk năm 2019 tăng gần 15% so với năm 2018. Tính đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm đi 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với nhiều sự kiện nổi bật về kinh doanh quốc tế, năm 2019, Vinamilk đạt giải thưởng Doanh nghiệp Xuất khẩu Châu Á.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhất là đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu các sản phẩm nông sản thì sự kiện này đã cho cho thấy sự đúng đắn của một chiến lược kinh doanh mang tính bền vững, lâu dài. Cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn từ phía các cơ quan quản lý, đặc biệt là từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương thì chính sự chủ động và chuẩn bị tốt của doanh nghiệp sẽ đem lại cơ hội để duy trì tăng trưởng, từ đó góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy nền kinh tế nói chung vượt qua đại dịch và sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi.
Kiều Oanh