Mỹ cáo buộc WHO không kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh và tuyên bố ngừng tài trợ
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cơ quan này đã che đậy mức độ nghiêm trọng của Covid-19 tại Trung Quốc trước khi đại dịch lan rộng khắp thế giới. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng khiến các nhà lãnh đạo quốc tế không khỏi choáng váng.
Là cơ quan chỉ đạo và điều phối y tế toàn cầu trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, WHO được thành lập năm 1948 với nhiệm vụ phối hợp các chính sách y tế quốc tế, đặc biệt về bệnh truyền nhiễm. Hiện WHO có 194 quốc gia thành viên, mỗi nước thành viên sẽ có một phái đoàn đại diện cho chính quốc gia đó trong Đại Hội đồng Y tế Thế giới – cơ quan ra quyết định tối cao của WHO.
WHO được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tư nhân, các quốc gia thành viên và Liên Hợp Quốc. Mỗi quốc gia thành viên được yêu cầu phải trả lệ phí để trở thành một phần của tổ chức. Những khoản tiền này được tính toán tương đối dựa trên tiềm lực tài chính và dân số của mỗi quốc gia. Hiện tại các khoản phí chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng kinh phí của WHO. 3/4 còn lại đến từ đóng góp tự nguyện, nghĩa là đóng góp của các quốc gia thành viên hoặc đối tác.
Trong chu kì tài trợ 2 năm 2018 – 2019, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO với hơn 893 triệu USD, bao gồm: 237 triệu USD phí thành viên bắt buộc; 656 triệu USD quyên góp tự nguyện. Hiện số tiền quyên góp tự nguyện của nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm khoảng 14,67% tổng số tiền đóng góp tự nguyện trên toàn cầu. Quốc gia có đóng góp lớn thứ hai cho WHO chính là Vương quốc Anh với 434,8 triệu USD; đứng thứ ba là Đức và thứ tư là Nhật Bản. Giữ vị trí thứ năm là Trung Quốc với 86 triệu USD các khoản phí và đóng góp tự nguyện. Bên cạnh sự đóng góp của các quốc gia thành viên, nột trong những nhà tài trợ tự nhân lớn của WHO chính là Quỹ Bill và Melinda Gates của Mỹ.
Vừa qua Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO vì cho rằng tổ chức này đã không kiểm soát được sự lây lan của đại dịch Covid-19 và không hành động đủ nhanh để điều tra khi virut xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 12/2019. Các nhà tài trợ “khủng” như Mỹ được cho là có tầm ảnh hưởng rất lớn đến WHO; chính vì vậy quyết định ngừng tài trợ của ông chủ Nhà Trắng khiến các nhà lãnh đạo quốc tế không khỏi choáng váng. Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ cắt khoản phí thành viên hay khoản đóng góp tự nguyện cho WHO.
Trước đó chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã nhiều lần ám chỉ sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đến WHO khi cho rằng tổ chức này liên tục thiên vị chính quyền Bắc Kinh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. “Khi Mỹ áp đặt các hạn chế đi lại đối với Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, WHO đã phản đối hành động của chúng tôi. Cũng do các quốc gia và khu vực khác thực hiện theo hướng dẫn của WHO, tiếp tục mở cửa biên giới với Trung Quốc đã góp phần đẩy nhanh đại dịch trên toàn thế giới. Nếu WHO thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, đưa các chuyên gia y tế vào Trung Quốc để đánh giá khách quan tình hình trên đại lục và chỉ ra sự thiếu minh bạch của Trung Quốc thì dịch bệnh đã có thể được ngăn chặn ngay từ đầu với tỷ lệ tử vong thấp nhất” – ông Trump nhấn mạnh
Đáp lại cáo buộc của Chính quyền Washington, WHO không ngừng kêu gọi các nước thành viên không nên chính trị hóa đại dịch. “Thay vì công kích lẫn nhau, ngay lúc này Mỹ và Trung Quốc nên kề vai sát cánh chiến đấu với dịch bệnh” – Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố.
Hạnh Phúc