Nhiều khả năng Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực trong tháng 7/2020
Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được Hội đồng châu Âu thông qua, hồ sơ phê chuẩn Hiệp định này đã được Chính phủ trình lên Chủ tịch nước xem xét trình Quốc hội thảo luận và phê chuẩn trong phiên làm việc của Quốc hội Việt Nam vào tháng 5/2020. Ngay khi được sự phê chuẩn của Quốc hội, bản dự thảo Kế hoạch thực thi Hiệp định sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện để Thủ tướng Chính phủ chính thức ký cho phép ban hành. Với tiến độ này, nhiều khả năng trong tháng 7/2020, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Sẵn sàng cho việc thực thi Hiệp định
Liên quan đến bộ hồ sơ trình Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều phần việc cụ thể. Theo đó ngày 6/1/2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan; ngày 21/2 trình hồ sơ lên Chính phủ với các nội dung cập nhật về kết quả rà soát pháp luật, tình hình phê chuẩn của EU và việc Anh rời EU; ngày 24/3 trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước về việc phê chuẩn EVFTA sau khi đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ. Tiếp theo vào ngày 8/4/2020, Bộ Công Thương đã gửi Văn phòng Chủ tịch nước một số thông tin, tài liệu bổ sung cho bộ hồ sơ trình phê chuẩn. Để phục vụ cho việc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thẩm tra phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ngày 9/4 Bộ Công Thương đã gửi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bộ hồ sơ trình phê chuẩn với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Điều ước quốc tế 2016, đồng thời cung cấp các thông tin giới thiệu, giải thích về Hiệp định EVFTA.
Để phục vụ cho phiên họp thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra vào ngày 16/4, Bộ Công Thương đã gửi nội dung báo cáo về “Một số nội dung chủ yếu đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA”. Báo cáo này sẽ do ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế trình bày. Ngoài ra để phục vụ cho phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/4/2020, Bộ Công Thương cũng đang rất chủ động, tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước hoàn thiện Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan để đưa vào bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Xoay quanh công tác xây dựng pháp luật chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA, nhằm bảo đảm các cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định ngay khi có hiệu lực, Bộ Công Thương đã liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được ban hành ngay thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Theo đó vào ngày 14/2/2020, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ, ngành triển khai ngay việc xây dựng và/hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này với mục tiêu là ban hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
Ngày 3/4/2020, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc rà soát để triển khai việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản bản pháp luật để thực thi EVFTA, Bộ Công Thương đã gửi công văn cho tất cả các Bộ, ngành cập nhật về tình hình phê chuẩn của Việt Nam và EU; dự kiến thời gian Hiệp định chính thức có hiệu lực; cung cấp kết quả rà soát của Bộ Công Thương về danh mục các văn bản pháp luật cần ban hành ngay và nhóm cam kết áp dụng trực tiếp khi Hiệp định có hiệu lực; cung cấp các thông tin cần lưu ý để các Bộ, ngành tham khảo trong quá trình rà soát và xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.
Đối với các văn bản pháp luật do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, cụ thể là Thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa để thực thi EVFTA, Bộ cũng đã chủ động xây dựng dự thảo từ tháng 12/2019, hiện đang trong quá trình tổng hợp lấy ý kiến và sẽ bảo đảm ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA. Liên quan đến việc chuẩn bị thực thi của phía EU, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với EU trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế cấp hạn ngạch thuế quan cho các loại gạo của Việt Nam có trong danh mục được hưởng hạn ngạch với thuế suất trong hạn ngạch là 0% khi xuất khẩu sang EU.
Chương trình hành động quốc gia thực hiện EVFTA
Để chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương đã dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động của Chính phủ về thực thi Hiệp định này; trong đó xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch. 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dự thảo Kế hoạch này đã được đưa vào bộ hồ sơ trình các cấp về việc phê chuẩn Hiệp định. Sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, dự thảo Kế hoạch này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành.
Đối với Kế hoạch thực hiện của Bộ Công Thương, ngày 20/3/2020 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn từ tháng 3/2020 đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Theo đó, bên cạnh việc triển khai các công việc phục vụ cho Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định, Bộ cũng sẽ triển khai một loạt các hoạt động để chuẩn bị cho công tác thực thi Hiệp định EVFTA sau này, cụ thể như tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định dưới nhiều hình thức; rà soát và xây dựng sớm các văn bản pháp luật để bảo đảm có đầy đủ và kịp thời cơ sở pháp lý khi Hiệp định chính thức có hiệu lực; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu sang EU…Hiện Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện về cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ cho giai đoạn 2020 và 2021-2025 trên cơ sở cụ thể hóa các hoạt động thuộc phạm vi phụ trách trong dự thảo Kế hoạch thực thi của Chính phủ. Dự kiến ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện của Chính phủ (khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và chính thức có hiệu lực) thì Bộ cũng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện của Bộ.
Đối với Kế hoạch thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương, ngày 8/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Theo đó để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa các cơ quan trung ương và địa phương nhằm bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và đầy đủ, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng mẫu Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để gửi các Bộ, ngành, địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện của cơ quan mình.
Hạnh Phúc