Đơn giản, bốn mùa sông vẫn chảy

Trăn trở nghĩ, “Việt Nam thành quốc gia chống dịch bệnh tốt nhất thế giới thì cũng phải phấn đấu là quốc gia sớm nhất không còn dịch bệnh, đưa nhịp sống trở về bình thường”, Thủ tướng lại nhớ dòng Thu Bồn nơi quê nhà, dù vật đổi sao dời, đơn giản, bốn mùa sông vẫn chảy.

Giữa lòng một Châu Âu đang chao đảo vì dịch bệnh, ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu quyết định phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Quốc hội Việt Nam đang chờ đợi phê chuẩn Hiệp định này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), giao các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch Nước, các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện Bộ hồ sơ trình UBTVQH tại Phiên họp lần thứ 44, diễn ra vào giữa tháng 4/2020.

Theo dự kiến của UBTVQH, việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ được trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua vào những ngày đầu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV.

Ở trong nước, giá thịt lợn leo thang và Thủ tướng phải liên tiếp có chỉ đạo. Cùng người dân cả nước căng mình chống dịch bệnh, ông vẫn biết, giá “đầu vào” của mặt hàng này là từ 35.000-40.000 đồng/kg, vậy mà bán ra trên 80.000 đồng/kg, quá cao!

Thủ tướng yêu cầu phải giảm mạnh, đưa giá về mức bình thường như trước khi có dịch bệnh tả lợn Châu Phi. 15/15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn nhất của cả nước đã đồng loạt giơ tay đồng ý giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4.

Gia súc, gia cầm có thể sẽ chết hàng loạt nên trong tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Chỉ thị 12 quyết liệt phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm , đồng thời với 4 chỉ thị và hàng loạt văn bản chỉ đạo điều hành về phòng chống dịch COVID-19.

Và Thủ tướng còn ký Chỉ thị 14 về chính sách hỗ trợ xã an toàn khu (ATK), vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.Trong đó, ông yêu cầu tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở, các dự án có tính lan tỏa, các dự án ở vùng trung tâm ATK…

Nghị quyết 22 của Chính phủ được Thủ tướng ký ban hành trong tháng 3, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do, hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do (khoảng 24.800 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch…

Cũng trong tháng 3, Nghị quyết 26 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36 của Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Nghị quyết 30 về Chương trình hành động của Chính phủ phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, được ban hành.

Liên tiếp các nghị định của Chính phủ ra mắt đúng hẹn trong tháng 3 như Nghị định 35 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh; Nghị định số 36 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản…

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Cao tốc luôn là “điểm nóng” trong điều hành của Thủ tướng. Ông trông đợi có được nhiều hơn từng km cao tốc. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được gần 1.000 km cao tốc, Thủ tướng dự kiến hết năm 2021, có thêm 900 km được xây dựng và trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu có ít nhất 2.000 km cao tốc để đến năm 2025, cả nước có ít nhất 4.000 km cao tốc kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương.

Nhấn mạnh, “theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, thời hạn để hoàn thành việc xử lý 12 dự án, doanh nghiệp còn lại không nhiều”, Phó Thủ tướng nêu rõ Báo cáo về tình hình tiến độ, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2020.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thành lập và hoạt động đúng theo kế hoạch.

Chỉ đạo cuộc họp lần thứ nhất của Tổ công tác này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, “chúng ta phải phát hiện bằng được, đồng thời chỉ ra những mâu thuẫn, sự chồng chéo, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, khơi dậy các động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.

Lần thứ hai viết thư ngỏ mời các cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ, “việc hưởng ứng của cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử”.

Đơn giản, sông vẫn chảy, thế giới này không chỉ có COVID-19. Biết là vậy, nhưng vẫn không thể không dồn tâm trí vào phòng chống dịch bệnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chẳng đặng đừng nói tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 20/3, “ngày nào cũng chỉ thấy thông tin về dịch bệnh”. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, năm 2020, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

“Bởi vậy, cần tính toán phương án, có giải pháp cho lâu dài, tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch; kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch theo đúng tinh thần chống dịch như chống giặc”, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh, “cùng với đó, cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp; chuẩn bị tốt cho việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020”.

Vào những ngày tới, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, dự báo tiếp tục có mưa, mưa vừa đến mưa to. Có thể coi đó như ông Trời cũng đồng hành cùng Chính phủ trong 15 ngày thần tốc chống dịch bệnh.

Lý do là, người dân tuy đã tuân thủ rất cao yêu cầu ở nhà, hạn chế ra đường, nhưng có thêm mưa giăng lối, họ có thêm “động lực” tuân thủ tốt hơn nữa. Con virus bí ẩn nhất thế giới kia không còn nhiều cơ hội nấn ná lại.

Tin hàng ngày báo về từ các “mặt trận”, số ca nhiễm mới và số ca khỏi bệnh dần thiết lập “tỉ số hòa”, số ca khỏi bệnh áp đảo là thực tế không còn xa.

Kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm thành hiện thực, “Việt Nam ta nhất định chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Minh Vương