Cần ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ
Dưới tác động của đại dịch Covid – 19, nền kinh tế Việt Nam nói chung – các ngành công nghiệp, dịch vụ nói riêng đều rơi vào trạng thái khó khăn. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vẫn đạt mức tăng doanh số ấn tượng nhờ biết tận dụng và khai thác triệt để mọi cơ hội có được từ trong gian khó.
Có thể thấy dịch bệnh hoành hành khiến con đường xuất khẩu bị thu hẹp. Trong tình hình này, doanh nghiệp ngành CNHT đã chuyển hướng tiêu thụ trong nước, qua đó không chỉ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất mà còn giúp chính bản thân họ được hưởng lợi bởi tiêu thụ nội địa vừa giúp rút ngắn thời gian giao dịch, vừa tiết giảm đáng kể chi phí vận chuyển.
Đơn cử như câu chuyện của Công ty CP Dệt lụa Nam Định. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, do bị hạn chế nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc nên doanh nghiệp dệt may trong nước đã tìm đến các công ty sản xuất nguyên liệu trong nước; nhờ đó lượng đơn đặt hàng của Dệt lụa Nam Định tăng gấp đôi. “Việc chuyển sang tiêu thụ nội địa không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong nước sản xuất thuận lợi hơn mà còn giúp họ hưởng lợi đáng kể, nhất là mặt chi phí và thời gian vận chuyển”– đại diện Công ty CP Dệt lụa Nam Định cho biết.
Cũng như doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp ngành cao su cũng năng động tìm hướng đi mới trong bối cảnh dịch bệnh. Kể từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong ngành đã tập trung sản xuất các linh, phụ kiện như gioăng cho ngành cấp thoát nước, gioăng silicon nắp hộp thức ăn y tế hay sản xuất giày đi tuyết xuất khẩu tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Đức.
Ông Trần Minh Khải – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Cao su Thái Dương cho biết dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đình trệ, nguồn hàng bị gián đoạn nên đa số khách hàng chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam. “Từ đầu năm đến nay các đơn hàng về linh kiện, phụ trợ đều có đơn hàng, xuất khẩu của Cao su Thái Dương tăng trung bình hơn 10%. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp cao su Việt Nam nói chung – Cao su Thái Dương nói riêng tổ chức lại sản xuất và khai thác hết công suất nhà máy”– ông Khải khẳng định.
Đồng quan điểm, bà Lê Nguyễn Duy Oanh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT Tp.HCM cho biết thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước trực tiếp liên hệ với Trung tâm để nhờ hỗ trợ tìm nhà cung cấp và đặt hàng sản xuất. Cụ thể có ít nhất 5 nhà sản xuất với thương hiệu lớn trên thế giới gồm 2 doanh nghiệp Nhật Bản và 2 doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất tại Trung Quốc cùng một nhà sản xuất tại Đức có đề nghị này. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp CNHT trong nước gia tăng thêm đối tác, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nếu tận dụng và khai thác hiệu quả các cơ hội có được, các doanh nghiệp CNHT trong nước hoàn toàn có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên để làm được điều này, bà Lê Nguyễn Duy Oanh khuyến nghị các doanh nghiệp CNHT cần làm tốt bài toán đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất để có thể đảm nhận những đơn hàng lớn. Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải rất quyết tâm trong việc thay đổi tư duy quản trị, tổ chức lại khâu sản xuất. Nỗ lực này cộng hưởng cùng sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành đầy tin cậy của nhà sản xuất (đơn vị mua hàng) sẽ giúp các doanh nghiệp CNHT trong nước sớm vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để phát triển đi lên.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh những doanh nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế, trong số này vẫn còn các doanh nghiệp thiếu và yếu cả về quy mô lẫn năng lực, sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, giá trị gia tăng nhỏ. Chính vì vậy Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển ngành CNHT; trong đó ưu tiên đầu tư nguồn lực từ ngân sách trung ương và địa phương để tập trung phát triển CNHT, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Hạnh Phúc