Du lịch Đà Nẵng: Cần sự đột phá và đổi mới để hút du khách quay trở lại
Với sức sống của một thành phố trẻ trung, năng động, hiện đại; con người thân thiện; môi trường sạch, đẹp; phong cảnh độc đáo và đa dạng; môi trường du lịch ổn định …; du lịch Đà Nẵng ngày càng cuốn hút, thể hiện qua lượng khách quốc tế đến với thành phố liên tục tăng.
Tuy nhiên “nút thắt” hiện nay là Thành phố bên sông Hàn đang thiếu các sản phẩm du lịch mới mẻ; các dịch vụ vui chơi giải trí, đặc biệt là nhu cầu giải trí về đêm; thiếu các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc…để “níu chân” du khách…
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch liên kết du lịch 4 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên-Huế – Hà Nội năm 2018 diễn ra tại Đà Nẵng, vấn đề gia tăng sức hút của du lịch Đà Nẵng cũng đã được các đại biểu đem ra phân tích, mổ xẻ để giúp ngành “công nghiệp không khói” của Thành phố biển miền Trung có bước đột phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo khuyến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, Đà Nẵng cần tập trung đa dạng hoá sản phẩm du lịch đáp ứng hiệu quả nhu cầu của du khách quốc tế, trong đó chú trọng phát huy lợi thế các bãi biển dài, sạch và đẹp làm nên các sản phẩm du lịch biển hấp dẫn du khách như: lặn biển và săn bắt cá đại dương, thám hiểm đại dương, câu mực về đêm, ngắm san hô…Quan tâm đầu tư phát triển các loại hình thể thao trên biển: dù kéo, mô tô nước, lướt ván, lướt ván buồm… cùng một số dịch vụ bổ sung làm tăng thêm sức hấp dẫn cho thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng. Ngoài ra Đà Nẵng cũng có thể phát triển theo hình thức kết hợp du lịch biển – núi tại Khu du lịch Hải Vân – sông Trường Định – vịnh Đà Nẵng. Việc hình thành những sản phẩm du lịch mới mẻ, đặc trưng sẽ góp phần tạo thêm điểm nhấn, thêm những nét rất riêng của Đà Nẵng; qua đó khiến du khách thực sự hài lòng khi đến Đà Nẵng và mong muốn quay trở lại.
Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Tp.Đà Nẵng Cao Trí Dũng, Thành phố cần phát triển các điểm mua sắm chất lượng cao; các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, độc đáo tạo cảm hứng cho du khách. Hình thành khu bán hàng lưu niệm, khu ẩm thực vùng biển và các dịch vụ phục vụ khách khu vực ven biển; xây dựng các chương trình du lịch cộng đồng đặc sắc, các hình thức homestay mới lạ hay các dịch vụ gắn liền với đời sống của người dân bản địa; đồng thời xây dựng các tuyến đi bộ đủ dài để đa dạng các loại hình hoạt động về đêm; phát triển thêm các khu chợ đêm và các loại hình pub, bar, karaoke, du thuyền về đêm. Điều quan trọng là Đà Nẵng cần gắn kết mật thiết giữa du lịch với các làng nghề truyền thống nhằm thu hút và giữ chân du khách; liên kết các làng nghề thành một khu liên hoàn, có không gian riêng cho từng khu vực, mỗi điểm tham quan có thuyết minh, chiếu phim giới thiệu, bán sản phẩm, trưng bày, mua sắm. Phương thức này không chỉ giúp các làng nghề duy trì sự tồn tại, phát triển trong tương lai mà còn góp phần giới thiệu rộng rãi văn hóa đặc trưng của Thành phố bên sông Hàn đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Tại Hội nghị, đại diện 4 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế – Hà Nội cũng đã đưa ra kế hoạch liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tận dụng điểm mạnh của từng địa phương để phát triển, tạo dấu ấn vùng miền. Nội dung chính của kế hoạch là ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính (nhóm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, làng quê, làng nghề) song song với đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ (du lịch tâm linh, du lịch văn hóa – ẩm thực, chữa bệnh – làm đẹp, du lịch thể thao giải trí biển…). Đại diện ngành du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế – Hà Nội cũng đã thống nhất đề nghị Tổng cục Du lịch nhanh chóng xác định 4 địa phương thuộc nhóm các điểm đến du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia để từ đó có hướng tuyên truyền, quảng bá hiệu quả tại các thị trường du lịch quốc tế giàu tiềm năng như: Úc, Ấn Độ, Nga.
Victor Thai