Áp lực lớn lên thị trường đất nền Tp.HCM

“Thanh khoản giảm, vắng nhà đầu tư lướt sóng, nghề môi giới hết thời, nguy cơ bán tháo bán chạy” là dự báo về 4 thay đổi có thể gây áp lực cho thị trường đất nền Tp.HCM được ông Đoàn Thiên Việt – Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Đại Thắng (DATALAND) đưa ra tại Hội thảo “Diễn biến thị trường địa ốc 6 tháng cuối năm 2018” do Hội cà phê Bất động sản tổ chức.

 Thanh khoản giảm mạnh

Trong vòng nửa tháng qua, giao dịch đất nền tại Tp.HCM bất ngờ giảm mạnh, khu Đông và Tây Sài Gòn thanh khoản giảm 50-70%. Cụ thể tại khu Đông Tp.HCM, mãi lực đất nền thuộc các quận 2, 9, Thủ Đức đã chựng lại với lưu lượng mua bán chỉ đạt khoảng 40% so với cao điểm tháng 4/2018. Thanh khoản sụt giảm gần 60% so với trước đây. Giá cả không có nhiều biến động, đa phần trong xu hướng đi ngang.

Còn tại khu Tây Tp.HCM, so với 5 tháng đầu năm, mãi lực bất động sản đất nền phân lô tại các quận 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh sụt giảm đến 70%. So với tháng 4-5/2018 – thời điểm sôi động nhất của Giao dịch thứ cấp trên thị trường đất nền Tp.HCM thì bước sang tháng 6, giao dịch thứ cấp bất ngờ giảm tốc, mãi lực yếu dần, hàng ký gửi chiếm phần lớn.

Ông Việt cho biết sự biến thiên của thị trường bất động sản được nhận diện qua tính thanh khoản. Tình trạng giao dịch giảm sút thời gian gần đây dự báo sẽ gây áp lực cho phân khúc đất nền trên thị trường thứ cấp và chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, thị trường này sẽ nhanh chóng hạ nhiệt.

Nhà đầu tư lướt sóng dừng cuộc chơi

Thanh khoản đất nền giảm mạnh cũng đồng nghĩa với mọi giao dịch nhanh đều bị chựng lại. Không còn sóng để lướt cộng thêm tâm lý hoang man, tuyệt vọng dễ khiến nhà đầu tư lướt sóng quyết định rời đường đua để nghỉ ngơi hoặc tìm một kênh đầu tư khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Thay thế cho nhà đầu tư lướt sóng sẽ là các nhà đầu tư dài hạn với vai trò người cầm trịch; kéo theo đó thị trường đất nền cũng sẽ phát triển theo xu thế “đường trường”.

Môi giới đất nền chuyển nghề

Bối cảnh thị trường đất nền chững lại, nguồn cung hạn chế và mãi lực thị trường thứ cấp quá thấp, để thích nghi với biến động cung cầu trên thị trường, lực lượng môi giới cũng sẽ có sự thay đổi. Những môi giới bán đất nền trước đây có thể dịch chuyển sang những phân khúc bất động sản tiềm năng khác như: nhà phố, căn hộ chung cư hoặc bất động sản cho thuê.

Sở dĩ có sự chuyển dịch này là do môi giới chủ yếu sống dựa vào hoa hồng, lương cơ bản khá thấp nên ngay khi thanh khoản đất nền sụt giảm sẽ khiến thu nhập của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để đảm bảo thu nhập cũng như các chi phí trang trải cho cuộc sống buộc một bộ phận môi giới đất nền phải chuyển nghề.

Xuất hiện tình trạng bán tháo

Một khi thanh khoản sụt giảm, phải mất một thời gian thị trường mới xuất hiện diễn biến mới. Chính vì vậy đối với những nhà đầu tư mất kiên nhẫn hoặc gặp khó khăn về tài chính sẽ xảy ra tình trạng bán tháo để thu hồi dòng vốn về.

Trong nhiều năm qua trên thị trường bất động sản diễn ra một thực tế là dòng tiền đổ vào đất nền chủ yếu từ nguồn vốn nhàn rỗi; bằng chứng là khách hàng mua đất nền chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt (chiếm đến 60%). Do đó chỉ những trường hợp nào nhà đầu tư đất nền đầu tư số vốn quá lớn hoặc mất niềm tin mới phải bán tháo bán chạy. Tuy nhiên khả năng thị trường xuất hiện tình trạng bán tháo có thể chỉ diễn ra một cách thưa thớt, tỷ lệ bán tháo có thể không cao, trong ngưỡng 10-15% do niềm tin của người Việt vào kênh đầu tư đất nền quá lớn.

Phước Tài