Kinh tế Mỹ có thể cần tới 3 năm để phục hồi hậu COVID-19
Theo một báo cáo mới từ công ty tư vấn McKinsey & Company, các nền kinh tế của Mỹ và Khu vực Đồng tiền chung Euro (Eurozone) tới năm 2023 mới có thể phục hồi sau tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Nếu cách phản ứng y tế cộng đồng, bao gồm giãn cách xã hội và phong tỏa, ban đầu thành công nhưng không ngăn chặn được sự hồi sinh của virus, thì thế giới sẽ trải qua quá trình phục hồi kinh tế “câm”, theo McKinsey. Trong kịch bản này, mặc dù nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước khủng hoảng vào quý 3 năm 2022, nhưng nền kinh tế Mỹ sẽ cần đến quý đầu năm 2023 và châu Âu là đến quý 3 cùng năm.
Nếu cách phản ứng y tế cộng đồng được thực hiện mạnh hơn và thành công hơn – giúp kiểm soát sự lây lan của virus ở mỗi quốc gia trong vòng 2 đến 3 tháng – thì triển vọng có thể tích cực hơn, với sự phục hồi kinh tế vào quý 3 năm 2020 đối với Mỹ, quý 4 năm 2020 cho Trung Quốc và quý đầu năm 2021 cho Eurozone.
Trong các kịch bản liên quan đến các can thiệp hiệu quả một phần, các phản ứng chính sách có thể bù đắp một phần thiệt hại kinh tế và giúp tránh khủng hoảng ngân hàng, theo McKinsey. Công ty này đã đưa ra 9 kịch bản, từ việc kiểm soát virus nhanh chóng và hiệu quả bằng các biện pháp can thiệp chính sách có hiệu quả cao đến kịch bản các biện pháp y tế công cộng thất bại trên diện rộng và các can thiệp chính sách và kinh tế không hiệu quả.
Tuy nhiên, tác động kinh tế ở Mỹ có thể vượt quá mức những gì đã trải qua kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19, bao gồm hàng không vũ trụ thương mại, du lịch và bảo hiểm, có thể nhận thấy sự phục hồi chậm hơn. Trong lĩnh vực du lịch, cú sốc đối với nhu cầu trước mắt được ước tính lớn gấp 5 đến 6 lần so với sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 – mặc dù du lịch nội địa có thể phục hồi nhanh hơn. Cuộc khủng hoảng cũng làm gia tăng những thách thức hoặc lỗ hổng hiện có trong ngành hàng không vũ trụ và ô tô, điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của các ngành này.
Trong lúc chuỗi cung ứng trên toàn thế giới bị gián đoạn, báo cáo cảnh báo rằng tác động đầy đủ vẫn chưa được cảm nhận. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải chuẩn bị cho các tác động đến sản xuất, vận chuyển và hậu cần, và nhu cầu của khách hàng. Chúng bao gồm sự sụt giảm nhu cầu của người tiêu dùng dẫn đến hàng tồn kho ứ đọng cũng như thiếu hụt phụ tùng và nhân công do các nhà máy sản xuất ngừng hoạt động hoặc giảm công suất.
Bích Hạnh