Đại dịch Covid – 19 và những “điểm sáng” dưới góc nhìn lạc quan
Dịch Covid – 19 thật sự là đại họa toàn cầu khi cướp đi sinh mạng của 22.000 người, gây suy thoái kinh tế và làm tê liệt mọi hoạt động thường nhật…. Tuy nhiên nếu nhìn dưới lăng kính lạc quan hơn, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy một vài “điểm sáng” từ trong chính đại dịch này.
Rửa tay đúng cách góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh
Ngay khi dịch bệnh bùng phát, các chuyên gia y tế đã đưa ra thông điệp rõ ràng: “Rửa tay”. Tất cả mọi người từ thường dân, người nổi tiếng cho đến các chính trị gia đều phải thực hiện chính xác các bước – bao gồm hát bài “Chúc mừng sinh nhật” hai lần và đúng nhịp điệu để cảm thấy thời gian rửa tay không quá dài; đồng thời sử dụng nước hoặc gel khử trùng tay khi đến các địa điểm công cộng.
Đến nay nỗ lực tăng cường các biện pháp vệ sinh dường như đã phát huy hiệu quả thiết thực, ít nhất là ở một số quốc gia như Nhật Bản – nơi số ca dương tính với Covid – 19 đã giảm mạnh. “Có được kết quả khả quan này một phần do mọi người đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của rửa tay trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh” – một quan chức của Bộ Y tế Nhật Bản tiết lộ.
Giúp giảm khí thải, ô nhiễm
Các nhà máy ngừng hoạt động, quy định cấm đi lại, xiết chặt hoạt động sản xuất kinh doanh… có thể gây thảm họa cho nền kinh tế nhưng đối với môi trường, nó mang lại là những tín hiệu tích cực.
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) ở Phần Lan, trong 4 tuần tính đến ngày 1/3/2020, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã giảm 200 triệu tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm tương đương với lượng khí thải CO2 hàng năm từ Argentina, Ai Cập hay Việt Nam. Sự suy giảm lượng khí thải CO2 ở Trung Quốc cũng phần nào cho thấy mức tiêu thụ than tại các nhà máy điện cũng như sử dụng dầu tại các nhà máy lọc dầu ở quốc gia này đã giảm đi rất nhiều.
Du lịch hàng không – ngành công nghiệp vốn gây ô nhiễm cao cũng bị đình trệ bởi dịch bệnh, nhờ vậy giúp giảm đáng kể lượng khí thải.
Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt những lợi ích môi trường khác. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định bầu khí quyển chỉ có thể sạch hơn trong một thời gian ngắn ngủi, khi dịch bệnh qua đi mọi thứ đều quay trở lại vòng tuần hoàn ban đầu.
Trung Quốc cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã
Dơi và tê tê – động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi các nhà khoa học xác định chúng là thủ phạm gây dịch khi mang virut có chung phần lớn cấu trúc di truyền với Covid -19. Chính vì vậy ngày 24/02/2020, chính quyền Bắc Kinh đã ban lệnh dự luật cấm khẩn cấp và toàn diện việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Dự luật này được các nhà môi trường học nhiệt liệt hoan nghênh.
Trước đó khi dịch SARS bùng phát vào đầu năm 2000, Trung Quốc cũng đã có động thái tương tự song chỉ một thời gian sau hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã (bao gồm dơi và rắn) vẫn tiếp tục tái diễn. Với sự quyết liệt của chính quyền Bắc Kinh, hy vọng lần này lệnh cấm sẽ là vĩnh viễn, góp phần triệt tiêu tận gốc nạn buôn bán động vật hoang dã tại quốc gia này.
“Tôi cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã nhận ra lợi ích mà hoạt động kinh doanh, tiêu thụ động vật hoang dã mang lại nhỏ hơn rất nhiều so với những tổn thất mà nền kinh tế – xã hội phải gánh chịu“, Jeff He – Giám đốc Quỹ phúc lợi động vật quốc tế tại Trung Quốc nhận định.
Cách ly lại khiến con người gần nhau hơn
Biện pháp cách ly – một mặt có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; mặc khác lại là nguyên nhân gây hậu quả tâm lý nghiêm trọng. Những người bị nhốt trong nhà với gia đình, bạn bè hàng tuần, thậm chí vài tháng dễ bị bí bức, stress, khó chịu trong người. Tuy nhiên chính trong thời gian cách ly, một số người lại tìm thấy động lực, khơi dậy tinh thần cộng đồng; khiến họ gần gũi và gắn kết hơn với gia đình cũng như bạn bè.
Tại Colombia, Andrea Uribe (43 tuổi, tự cách ly gần 3 tuần) đã có cơ hội tổ chức lại cuộc sống thường nhật của mình. Anh còn tích cực tham gia các lớp tập thể dục, các chương trình tài năng gia đình thông qua các ứng dụng nhắn tin video (Zoom). “Tôi gọi điện cho bố mẹ thường xuyên hơn, thậm chí gọi điện trò chuyện với những bạn bè mà trước đây tôi không hay liên lạc … Tôi còn tổ chức các cuộc họp Zoom với bạn bè ở nhiều quốc gia. Thật tuyệt vời khi bị buộc phải ở nhà cùng nhau. Chính điều này đã làm thay đổi con người tôi và giúp tôi nhận ra rằng chúng ta cần phải hiện diện trong cuộc sống của nhau”– Uribe chia sẻ.
Ngọc Hạnh