Hoạt động xúc tiến thương mại tìm hướng đi phù hợp trong bối cảnh thế giới “gồng mình” chống dịch
Đó là nội dung trao đổi chính giữa phóng viên với ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).
Đánh giá về sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú cho biết chỉ tính riêng Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020 đã có 49 đề án phải hủy hoặc lùi thời gian thực hiện đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Trong đó, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị ảnh hưởng mạnh nhất là hội chợ, triển lãm quốc tế lớn về nông sản, thực phẩm, thủy hải sản, dệt may, da giày…; các sự kiện thương mại quốc tế lớn tại Việt Nam và hàng đầu tại các khu vực thị trường, các đoàn giao dịch thương mại đều không thể tổ chức được. Điều này, trước mắt có thể gây thiệt hại vật chất đối với các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại trung ương, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp về chi phí cho công tác chuẩn bị đã bỏ ra. Về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung khi doanh nghiệp không có cơ hội xúc tiến xuất khẩu, thiếu thông tin cập nhật về thị trường, gián đoạn quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài.
Trước những khó khăn trên, Cục Xúc tiến thương mại quyết định chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở vẫn đảm bảo các mục tiêu đề ra. Trước mắt Cục đề xuất hủy một số hoạt động không thể thực hiện trong 6 tháng đầu năm để cân đối nguồn kinh phí cho các hoạt động thiết thực khác có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và hoạt động hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Cục Xúc tiến thương mại cũng đã hướng dẫn, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại áp dụng ngay các phương thức xúc tiến thương mại khác, phù hợp trong mùa dịch như: xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin…; đẩy nhanh tiến độ hoạt động thông tin, truyền thông quảng bá sản phẩm xuất khẩu, kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu… Thông tin tới hệ thống Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp danh sách thị trường mục tiêu, mặt hàng có nhu cầu xúc tiến xuất khẩu theo đề xuất của các địa phương, hiệp hội ngành hàng để các đơn vị này nghiên cứu, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp; cập nhật đề án xúc tiến thương mại gọn nhẹ, khả thi để có thể triển khai ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các nước.
Cũng theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, hiện dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực tới việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Để khắc phục tình trạng này, Cục đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các địa phương và hiệp hội ngành hàng một số giải pháp ứng phó trước mắt và trong dài hạn. Trong đó nhóm giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ gồm: kết nối, đưa mặt hàng nông sản, rau quả, trái cây tươi vào chuỗi cung ứng; tổ chức phiên chợ đưa hàng nông sản về khu chế xuất, khu đô thị tập trung đông dân cư nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tiếp.
Trong bối cảnh các hiệp định thương mại thế hệ mới sắp có hiệu lực, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với hệ thống Thương vụ và Tham tán thương mại tìm hiểu khả năng tận dụng cơ hội xuất khẩu, đề xuất chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp. Thông qua kênh Thương vụ, các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài chuyển thông tin về mặt hàng nông sản Việt Nam đến nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính ngạch tại các nước, đặc biệt là các thị trường lân cận như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan…Chủ động liên kết chặt chẽ với Thương vụ cũng như Văn phòng xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, kịp thời kết nối lại hoạt động, đáp ứng nhu cầu của thị trường này giai đoạn sau dịch…
Nhóm giải pháp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, sản phẩm gồm: phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, áp dụng mô hình trồng trọt theo Global Gap để giúp doanh nghiệp mở rộng thêm thị trường có yêu cầu cao; khuyến khích người sản xuất áp dụng những biện pháp, kỹ thuật thu hoạch và sau thu hoạch, quy hoạch vùng trồng, nâng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng, hàm lượng chế biến sâu cho các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu; tăng cường công tác quảng bá thương hiệu, thông tin thị trường, sản phẩm, giúp doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí kỹ thuật về xuất khẩu đối với các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do; trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế, hỗ trợ đào tạo, tư vấn truy xuất nguồn gốc, tư vấn tiếp cận tiêu chuẩn bền vững và tài chính xanh dành cho doanh nghiệp, tư vấn thiết kế bao bì cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
“Để trụ vững qua đại dịch, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ đòi hỏi bản thân môi doanh nghiệp cũng cần quan tâm nghiên cứu, phát triển thêm các kênh thương mại mới, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thương mại điện tử để tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng. Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu, duy trì cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên, kết nối chặt chẽ với hệ thống cơ quan Thương vụ, Trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài để có thể tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đang và sắp có hiệu lực, qua đó đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm” – Cục trưởng Vũ Bá Phú khuyến nghị.
Trân Nguyễn