Thượng viện Mỹ phê chuẩn gói cứu trợ kinh tế khủng trị giá 2.000 tỷ USD

Tối ngày 25/3 (theo giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ đã thống nhất phê chuẩn Dự luật gói cứu trợ kinh tế chưa từng có trong lịch sử trị giá lên đến 2.000 tỷ USD nhằm “tiếp sức” cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại từ dịch Covid-19.

Thỏa thuận lịch sử này đạt được sau 5 ngày thương thảo căng thẳng giữa đảng Dân chủ (ở Hạ viện), đảng Cộng hòa (ở Thượng viện) và Nhà Trắng do các bên đều kiên quyết bảo vệ đường lối chính sách của mình. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành khiến nền kinh tế chao đảo, người dân điêu đứng buộc các chính trị gia Mỹ phải đặt đại cuộc và quyền lợi của quốc gia lên hàng đầu. Kết quả bỏ phiếu Dự luật tại Thượng viện đã đạt đồng thuận tuyệt đối với 96 phiếu thuận và 0 phiếu chống.

Với kết quả này, Dự luật gói cứu trợ kinh tế Mỹ sẽ được chuyển tới Hạ viện xem xét, phê chuẩn (dự kiến ngày 27/3) mới chính thức có hiệu lực. Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết ông sẽ phê chuẩn Dự luật này ngay khi nó được chuyển tới.

 Khi Dự luật gói cứu trợ kinh tế Mỹ chính thức có hiệu lực, tiền sẽ tràn ngập nền kinh tế Mỹ. Dự luật này có những điều khoản cụ thể đáng chú ý như sẽ trợ cấp 1.200 USD cho hầu hết các công dân trưởng thành Mỹ và với trẻ em, số tiền được cấp sẽ là 500 USD. Quỹ 500 tỷ USD  cũng được thành lập để hỗ trợ các ngành công nghiệp, thành phố và tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh.

Dự luật cũng dành 367 tỉ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ có nguồn tiền trả lương giữ chân người lao động trong giai đoạn khó khăn; 150 tỷ USD cho các quỹ kích thích tiểu bang và địa phương;130 tỉ USD dành cho các bệnh viện và hỗ trợ 4 tháng bảo hiểm thất nghiệp trong đại dịch Covid – 19. Ngoài ra còn rất nhiều những khoản khác đang được chi tiết hóa.

Với gói cứu trợ 2.000 tỷ USD lần này, các nhà lập pháp Mỹ mong muốn một sự giám sát tốt hơn nhằm tránh đi vào vết xe đổ năm 2008 – khi gói trợ cấp Troubled Asset Relief Program trị giá 700 tỷ USD bị lợi dụng trắng trợn.

Hiện tại số ca nhiễm bệnh mới ở Mỹ tăng chóng mặt với gần 70.000 ca, hơn 1.000 người chết khiến các nhà lập pháp cũng như Nhà Trắng phải chịu sự chỉ trích và áp lực hết sức nặng nề. Ngoài ra sự thiếu thốn trang thiết bị y tế  cùng sự quá tải của hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng là những tác nhân khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn ngay cả ở cường quốc hàng đầu thế giới này.

Kim Phương