Bài học đau đớn về tạm dừng xuất khẩu gạo vẫn còn nguyên

Vào năm 2008, khi Việt Nam đang xuất khẩu gạo với giá 900 USD/tấn thì có lệnh ngừng xuất khẩu. Giá gạo giảm còn hơn 300 USD/tấn. Trong khi Thái Lan mở kho xuất khẩu “ào ào” thì giới kinh doanh gạo Việt Nam phải chở gạo đi bán lẻ trước cổng các khu công nghiệp.

Các doanh nghiệp kinh doanh gạo cho rằng, bài học về việc ngừng xuất khẩu gạo vẫn còn trong quá khứ. Hiện tại, Việt Nam không hề thiếu gạo, tình hình xuất khẩu gạo đang rất tốt.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gạo tại Long An cho biết, bài học về xuất nhập khẩu gạo vẫn còn nguyên đối với nhiều người.

“Từ năm 2008 đến nay, gạo Việt Nam luôn trong tình trạng thừa để xuất khẩu và xuất khẩu với giá “cực rẻ”. Ngoài việc dùng trong ngành chế biến, sản xuất bia rượu và thức ăn chăn nuôi thì người dân trong nước chỉ ăn hết một nửa, nửa còn lại bán ra nước ngoài với giá rất bèo bọt”, bà Dung nói.

Theo bà Dung, năm nay, hạn mặn khốc liệt ven biển Tây Nam, nông dân trồng lúa điêu đứng nhưng lúa gạo cả nước làm ra vẫn “dư sức” cung cấp cho nhu cầu trong nước.

Do dịch bệnh, người dân có tâm lý “tích cốc phòng cơ”, giá bán lẻ lúa gạo bị đẩy lên. Nhưng giá lúa tại ruộng, giá gạo tại kho, vẫn cứ thấp và không hề thiếu.

“Nếu cấm xuất khẩu ngay bây giờ thì người bị thiệt hại đầu tiên chính là nông dân, bởi nông dân đang thu hoạch trong cảnh mất mùa. Đa số nông dân phải bán lúa tại ruộng để trả nợ đại lý vật tư nông nghiệp, trả nợ ngân hàng. Có người còn “bán lúa non”, ăn trước trả sau”, bà Dung chia sẻ.

Cũng theo bà Dung, nếu cấm xuất khẩu thì người kinh doanh lúa gạo như bà sẽ có lời vì giá bán lẻ đến tay khách hàng không hề giảm, trong khi giá mua sỉ bị giảm sâu. Tuy nhiên, trước sự nguy nan của dịch bệnh, nếu cấm xuất khẩu thì hàng triệu người nông dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Chính vì vậy, bà Dung muốn chia sẻ quan điểm của mình để các cơ quan chính quyền có quyết sách phù hợp.

“Tôi thấy nhiều người dùng cảm xúc để hoan hô việc cấm xuất khẩu gạo, bởi trong tình hình này, ai cũng lo lắng là lẽ đương nhiên. Nhưng với một quyết sách ảnh hưởng đến hàng triệu nông dân, xin đừng dùng cảm xúc”, bà Dung nói.

Cũng theo đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo tại TP.HCM, tạm dừng xuất khẩu gạo ở thời điểm hiện nay là chưa cần thiết. Những chính sách đột ngột sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người nông dân.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, sản lượng gạo xuất khẩu và giá trị xuất khẩu đều tăng mạnh trong những tháng đầu năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, với kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ.

Riêng tại thị trường Trung Quốc, sau 2 năm trầm lắng, xuất khẩu gạo sang thị trường này 2 tháng đầu năm 2020 đột nhiên tăng tới 595% về lượng và 724% về kim ngạch.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng liên tục tăng cao, như gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 – 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay.

Trong ngày 24/3, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị tạm ngừng thực hiện Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, tức tạm dừng áp dụng ngừng xuất khẩu gạo từ 00h00 ngày 24/3.

Theo Bộ Công Thương, kiến nghị này được đưa ra sau khi đơn vị này tiếp nhận phản ánh của một số doanh doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng việc thực hiện hoãn xuất khẩu gạo để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp. Việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu, theo đó vẫn tiếp tục thực hiện bình thường.

Duy Anh