Các đối tượng ưu tiên hàng đầu bắt buộc phải sử dụng khẩu trang y tế

Trong bối cảnh các sản phẩm khẩu trang y tế, khẩu trang phòng độc N95 đều cháy hàng hoặc bị đội giá lên cao, hầu hết người dân đều cân nhắc việc sử dụng khẩu trang vải. Câu hỏi đặt ra ở đây là sử dụng khẩu trang vải như thế nào để đạt hiệu quả phòng chống Covid – 19?

TS. Nguyễn Hồng Vũ – Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ), Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím cho biết người dân hoàn toàn có thể sử dụng khẩu trang vải thay thế khẩu trang y tế trong công tác phòng dịch song đây không phải sự lựa chọn tối ưu nhất bởi các sợi vải trên khẩu trang vải có lỗ hở lớn hơn khẩu trang y tế và N95 nên khả năng cản giọt dịch nhỏ thấp hơn. Tuy nhiên sử dụng khẩu trang vải cũng góp phần giảm được sự nhiễm khi các hạt dịch được thấm hút lên khẩu trang, cản virut vào trong đường hô hấp.

Do đó TS. Nguyễn Hồng Vũ khuyến nghị người dân nên giặt khẩu trang vải mỗi ngày với xà phòng diệt khuẩn và phơi khô dưới nắng trước khi tái sử dụng. Ngoài ra, khi chọn mua khẩu trang, người dân nên lựa chọn loại ghi rõ nguyên liệu, khả năng kháng bụi, kháng khuẩn. Trong một số phạm vi có khả năng tiếp xúc mầm bệnh cao, ví dụ nơi được xác định có người bệnh thì phải mang khẩu trang y tế.

Có thể thấy Covid – 19 sống chủ yếu trong các tế bào ở đường hô hấp; chúng xâm nhiễm vào tế bào, sinh sản, nhân lên trong các tế bào đó và thoát ra ngoài. Chính vì vậy sự hiện diện của Covid – 19  trong các dịch của đường hô hấp là chuyện tất yếu. Khi người bệnh ho và hắt xì, sức nén của hơi thoát ra sẽ biến những dịch trong đường hô hấp thành những hạt dịch nhỏ chứa các virut trong đó.

Khoa học đã chứng minh khi hắt xì, các hạt dịch có thể văng ra với vận tốc 50 m/s, xa đến hơn 6 m. Khi ho, các hạt dịch sẽ di chuyển với vận tốc 10 m/s, khuếch tán xa hơn 2 m. Từ việc thở bình thường, các hạt dịch chỉ di chuyển vận tốc 1 m/s và chỉ khuếch tán trong vòng 1 m. Ngoài ra, theo một nghiên cứu năm 2013, các hạt dịch này có kích thước từ khoảng 75 đến 360 micro mét (1 micro mét = 1.000 nano mét). Khẩu trang y tế 3 lớp thông thường có khả năng lọc hiệu quả các hạt có kích thước trên 5 micro mét trở lên. Do vậy, các hạt dịch đó có thể dễ dàng bị giữ lại ở phía ngoài khẩu trang.

TS. Nguyễn Hồng Vũ cho biết trong điều kiện các sản phẩm khẩu trang y tế, khẩu trang phòng độc N95 đều khan hiếm, chúng ta cần ưu tiên cho những đối tượng bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế gồm: Người nhiễm virut (đối tượng ưu tiên hàng đầu vì rất dễ phát tán mầm bệnh cho mọi người xung quanh); Nhân viên y tế (những người này tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân mang mầm bệnh nên nguy cơ nhiễm bệnh của họ cao hơn rất nhiều so với người bên ngoài); Thân nhân của người nhiễm virut (đối tượng này tiếp xúc trực tiếp với các mầm bệnh nên việc ngăn ngừa lây nhiễm là cần thiết); Những người khỏe mạnh đến chỗ đông người, trong vùng có nhiều người nhiễm bệnh nhưng chưa xác định được trong cộng đồng (xuất hiện hiện tượng lây nhiễm cộng đồng).

“Bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nhưng lại thiếu thốn thiết bị – vật tư y tế, người dân nên nhường khẩu trang khẩu trang y tế cho các đối tượng ưu tiên này. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng cũng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm” – ông Vũ nhấn mạnh.

Xuân An