“Cái gì có lợi cho dân chúng ta nên thực hiện; cái gì có lợi cho doanh nghiệp chúng ta nên quan tâm…”

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến “3 trong 1” gồm: sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG); công bố tích hợp thêm trên 15 dịch vụ công lên Cổng DVCQG; khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ (TTBCCP). Hội nghị diễn ra tại Trụ sở Chính phủ với sự tham dự của khoảng 1/700 đại biểu tại các điểm cầu truyền hình.

Chính phủ đang đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số

Chỉ sau 3 tháng đưa vào vận hành, Cổng DVCQG đã kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với 14 bộ và 63 địa phương. Tính từ ngày 9/12/2019 đến chiều ngày 9/3/2020, đã có có hơn 77.200 tài khoản đăng ký; hơn 20,9 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; trên 2,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có trên 13.100 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG.

Tất cả dịch vụ công được đưa lên Cổng DVCQG đều có điểm chung là chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, với các dịch vụ liên quan đến: thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; dịch vụ Hủy tờ khai hải quan, Khai bổ sung hồ sơ hải quan; dịch vụ Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; dịch đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp…Trong đó một trong những dịch vụ công quan trọng được tích hợp lên Cổng DVCQG là dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ngay thời điểm tích hợp lên Cổng DVCQG, dịch vụ này được thí điểm tại 5 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận.

Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ cũng đã khai trương một số phân hệ của Hệ thống TTBCCP. Hệ thống này dù đang trong giai đoạn thử nghiệm cũng đã triển khai tích hợp 19 chế độ báo cáo của 10 bộ, cơ quan; bước đầu cung cấp một số thông tin liên quan đến kinh tế – xã hội  hằng ngày, hằng tháng, quý và năm. Việc số hóa tất cả các báo cáo quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh, bộ, ngành báo cáo Chính phủ và kết nối với Hệ thống TTBCCP sẽ tiết kiệm khoảng 460 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra việc số hóa này còn cho phép người có trách nhiệm của mỗi cấp báo cáo chỉ xem và bấm duyệt, gửi báo cáo mà không phải tổng hợp lại; qua đó tiết kiệm khoảng 6/10 ngày cho bước tổng hợp, tương đương số ngày công tiết kiệm được là 4.752 ngày công/năm.

Bộ Công Thương là cơ quan Bộ đầu tiên kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận thành công đạt được là nhờ sự nỗ lực của một số Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công Thương; đồng thời nhấn mạnh đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như hiện nay, việc hạn chế tiếp xúc với tiền bạc, giấy tờ, không gặp mặt trực tiếp được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. “Tuy nhiên chúng ta không chỉ dừng lại ở những kết quả đạt được mà cần phải nêu cao quyết tâm cải tiến, đổi mới để đạt chất lượng tốt hơn, qua đó tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Chung quy lại, cái gì có lợi cho dân thì chúng ta nên thực hiện; cái gì có lợi cho doanh nghiệp chúng ta nên quan tâm” – Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận, giải quyết đúng tiến độ, chất lượng đối với các dịch vụ công đã tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG; đồng thời thường xuyên cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng phục vụ.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công an, Tài chính, Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện các dịch vụ mới tổ chức thí điểm tại một số tỉnh, thành phố, tiến tới triển khai trên toàn quốc trước ngày 30/6/2020. Đồng thời tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này sớm triển khai hệ thống giám sát về Chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, từng ngành. Đối với các Bộ, ngành chưa hoàn thành kết nối, tích hợp với Cổng DVCQG cần khẩn trương triển khai các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm hoàn thành kết nối ngay trong tháng 3/2020.

Xuân Vinh