Nông dân Phú Xuyên làm giàu từ măng tây

Từ một giống rau còn mới lạ, nhờ sự mạnh dạn đầu tư của bà con nông dân huyện Phú Xuyên (Hà Nội), măng tây đã dần trở thành  cây trồng mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện thu nhập và chất lượng đời sống của người dân nơi đây.

Măng tây là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều chất xơ, Asparagine, đạm Homocystein… có tác dụng lợi tiểu, chữa táo bón, chống lão hóa…; lại có thể sử dụng chế biến nhiều món ăn ngon miệng, giàu dinh dưỡng nên vài năm trở lại đây rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế lớn lao của cây trồng này, từ năm 2013 huyện Phú Xuyên đã tổ chức cho cán bộ xã Hồng Thái đi học kỹ thuật trồng măng tây xanh ở Nghệ An. Tiếp đó, UBND xã Hồng Thái đã giao cho Hội Nông dân của xã xây dựng mô hình trồng măng tây xanh trên đất bãi ven sông Hồng nhằm tận dụng lợi thế đất phù sa màu mỡ nơi đây.

Thời gian đầu, người dân không mấy mặn mà với loại cây mới này nên rất ít hộ tham gia sản xuất. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, bà con dần thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt của măng tây và rất nhiệt tình tham gia. Tháng 7/2017, HTX rau quả Hồng Thái chính thức được thành lập đi vào hoạt động, thực hiện trồng măng tây sạch theo mô hình VietGap ứng dụng công nghệ của Hà Lan. Chỉ 2 tháng sau đó, HTX đã trồng thành công 1,3 ha măng tây và hiện đã nâng lên 3 ha gồm: 18.800 m2 măng xanh và 3.200 m2 măng trắng; trong đó có 1,2 ha trồng trong nhà kính.

Ông Lê Đức Trịnh – Giám đốc HTX rau quả Hồng Thái cho biết để trồng được cây măng tây, người nông dân gặp không ít khó khăn bởi giá giống cao (15.000 đồng/cây giống), chi phí để trồng một sào măng lên đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khó khăn này đã được tháo gỡ kịp thời khi HTX được chính quyền địa phương hỗ trợ hạt giống nhập khẩu, kinh phí lấy mẫu đất, mẫu nước để kiểm định chỉ số an toàn. Về phía bà con xã viên được các chuyên gia đến từ Hà Lan và Học Viện Nông nghiệp Việt Nam tập huấn, hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật ươm giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch măng tây. Thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX đã mạnh dạn chi 3 tỷ đồng đầu tư hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, máy phục vụ làm đất…Hệ thống tưới tự động cho vườn măng tây được điều khiển qua điện thoại thông minh. Bộ xử lý sẽ tự động tích hợp các yếu tố (nhiệt độ ngoài trời, độ ẩm của đất…). Sau khi xã viên gọi điện, hệ thống sẽ thực hiện tưới nước khắp các luống măng tây.

Cũng theo ông Trịnh, từ tháng 9/2017 đến giữa tháng 3/2018 đã có 1,2 ha măng tây của HTX bắt đầu cho thu hoạch. Măng tây trắng đạt năng suất 2,5 kg/sào mỗi ngày, giá mỗi kg là 60.000 đồng. Măng tây xanh đạt năng suất 2 kg/sào mỗi ngày với giá bán 150.000 đồng/kg. Với giá thành cao như vậy nên với mỗi sào, bà con nông dân lại có thu nhập khoảng 50 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng ngô; đặc biệt có nhiều hộ có thu nhập lên đến 7 triệu đồng/ngày.

Ông Trần Công Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết là sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế góp phần cải thiện chất lượng đời sống người dân nên măng tây đã được huyện chọn làm cây trồng chủ lực trong hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Trong thời gian tới Phú Xuyên sẽ tiếp tục mở rộng khoảng 100ha đất bãi trồng cây măng tây và vận động các hộ có kinh nghiệm tham gia nhân rộng mô hình. Về phía Tp. Hà Nội cũng sẽ có chính sách hỗ trợ để mở rộng mô hình trồng măng tây Hà Lan ở xã Hồng Thái lên 120 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Phú Yên mở hướng sản xuất quy mô lớn và xây dựng thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao từ cây trồng chủ lực này.

Song Thanh