Việt Nam – Ấn Độ thúc đẩy thương mại thông qua đầu tư
Ngày 26/2, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Công Thương Ấn Độ Som Parkash, thảo luận về các biện pháp tăng cường đầu tư, thúc đẩy thương mại song phương.
Chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Quốc vụ khanh Som Parkash nhấn mạnh Ấn Độ sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác và phát triển, đồng thời mong muốn Việt Nam sẽ ủng hộ các sáng kiến của Ấn Độ trong thời gian tới.
Ấn Độ và Việt Nam có nhiềm tiềm năng thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, dược phẩm, mía đường, năng lượng, khoáng sản, mía đường. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã sang Việt Nam đầu tư và thu được kết quả tích cực.
Khẳng định thúc đẩy đầu tư là hoạt động quan trọng trong hợp tác trong thời gian tới, phía Ấn Độ kiến nghị mỗi bên cử ra đầu mối để trao đổi và kết nối đầu tư song phương hướng tới thành lập nhóm làm việc chung về Đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Bộ trưởng Som Parkash cũng nêu quan ngại về thâm hụt thương mại của Ấn Độ trong quan hệ với Việt Nam và đề nghị Việt Nam ủng hộ yêu cầu của Ấn Độ trong việc rà soát Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ, xem xét những ý kiến của Ấn Độ liên quan đến Thông tư số 15/2019 của Bộ Y tế, vấn đề liên quan đến kiểm tra, thẩm định và cấp phép đủ điều kiện nhập khẩu cho các doanh nghiệp của Ấn Độ trong ngành thủy sản và giết mổ gia súc, đồng thời khẳng định các sản phẩm thịt trâu của Ấn Độ an toàn, không bị dịch bệnh lở mồm long móng.
Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ trên trường quốc tế, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Ấn Độ là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam, quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.
Tuy nhiên, quan hệ thương mại – đầu tư song phương còn thấp so với tiềm năng và kỳ vọng của hai nước. Thương mại song phương mới chỉ đạt 11,3 tỷ USD trong năm 2019 và đầu tư của Ấn Độ chưa đạt 1 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu thương mại song phương 15 tỷ USD vào năm 2020 như lãnh đạo hai nước đã đề ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hai bên cần tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh như khai khoáng, dệt may, da giày, năng lượng, y tế – dược phẩm, công nghiệp phụ trợ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các sản phẩm của nhau, đặc biệt là các sản phẩm trái cây của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, đồng thời hạn chế áp dụng các biện pháp làm cản trở thương mại song phương, như điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp…
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng tiếp tục đề nghị Ấn Độ xem xét cấp giấy phép nhập khẩu 1 lần cho gần 300 container sản phẩm hương nhanh mà doanh nghiệp và nông dân đã sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp Ấn Độ nhưng phải chịu thiệt hại nặng nề do lệnh hạn chế nhập khẩu của Ấn Độ ban hành ngày 31/8 năm ngoái.
Quốc vụ khanh Som Parkash đã ghi nhận những quan ngại của phía Việt Nam và nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về việc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho các sản phẩm trái cây, rau quả.
Đáp lại kiến nghị của phía Ấn Độ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã cử ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam làm đầu mối của phía Việt Nam trao đổi với phía Ấn Độ về các dự án đầu tư và xem xét thành lập nhóm làm việc trong lĩnh vực đầu tư.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có các buổi làm việc riêng với các tập đoàn lớn của Ấn Độ như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC), Tập đoàn Essar, NTPC, HCL, GMR…
Trung Thướng
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ