Vốn pháp định nhìn từ doanh nghiệp 144 ngàn tỷ
Mấy hôm nay, các bạn đồng nghiệp và một số báo “truy đuổi” công ty đăng ký 144.000.000 tỷ đồng cứ như họ là “tội phạm”. Vì thế, tôi muốn viết vài dòng với mong muốn góp một góc nhìn tích cực.
Một lần năm 1998 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá được yêu cầu trình bày về dự thảo Luật Doanh nghiệp ở một cuộc họp cấp cao của Đảng. Sau khi ông Giá trình bày, nhiều lời chỉ trích đã đổ lên đầu ông về nhiều quy định, thủ tục được đơn giản hóa, trong đó đặc biệt là quy định thành lập doanh nghiệp không cần vốn pháp định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân nói: “Tôi không biết anh Giá học hành thế nào mà lại cho kinh doanh mà không cần vốn”… Giờ giải lao, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói: “Theo hiểu biết của chị kinh doanh phải cần vốn, quy định như em là không ổn”. Ông Giá chỉ đáp, tí em sẽ giải thích.
Sau giờ giải lao, ông Giá mới chậm rãi kể chuyện …
Năm 1990, Chính phủ nghiên cứu dự thảo Luật Công ty. Ông Hoàng Quy, Bộ trưởng Tài chính được giao soạn một phần trong đó nhưng mãi không trình được dự thảo liên quan đến vốn của doanh nghiệp. Bí quá, ông Quy gọi ông Giá, lúc đó là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhờ tư vấn. Ông Quy dẫn một đội ngũ hùng hậu chuyên viên sang gặp ông Giá. Ông Giá bấm bấm ngón tay nói “thành viên hội đồng quản trị có 7 người, thôi bẩy bẩy bốn chín, cộng thêm một là năm mươi. Quy định vốn pháp định là 50 triệu nhé”. Thấy ông Giá nói thế, ông Hoàng Quy tỉnh cả người và về ghi vốn pháp định để lập doanh nghiệp là 50 triệu vào Luật.
Con số 50 được ông Giá đưa ra trong hoàn cảnh như trên cho thấy nó cực kỳ cảm tính, không hề có cơ sở khoa học nhưng đã được ghi vào Luật Công ty. Quy định đó đã giam hãm, cản trở người dân thành lập doanh nghiệp suốt cả thập kỷ sau đó.
Vốn pháp định hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong đời sống đối với cơ quan quản lý, cũng như đối với doanh nghiệp. Vậy mà một thời gian rất dài tính bằng thập kỷ, người ta xem nó là một trong những điều kiện tiên quyết để cho phép thành lập doanh nghiệp. Quy định đưa 50 triệu gửi vào ngân hàng, lấy giấy chứng nhận của ngân hàng kèm hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp các doanh nhân đều phải thực hiện nhưng sau khi lấy giấy phép thì tiền nhà ai về nhà nấy. Nhà nước không giám sát được.
Ông Giá nói thêm, khi làm Luật công ty ông từng viện dẫn doanh nghiệp 1 đô ở nước ngoài nhưng người ta không chịu, bảo người ta khác, mình khác. Rốt cuộc ông mới có màn bấm ngón tay “bác học”, để rồi con số 50 đã cầm tù bao nhiêu bộ óc kinh doạnh suốt 10 năm.
Sau khi ông Giá kể, nhiều lãnh đạo đã thay đổi quan niệm. Rốt cuộc, người chủ trì Luật Doanh nghiệp 1999 đã bảo vệ được điều này, và nhiều điều khác dẫn đến sự bùng nổ doanh nghiệp ở Việt Nam nhiều năm sau đó.
Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập một doanh nghiệp và do cơ quan có thẩm quyền ấn định. Tất nhiên, vốn nó khác với vốn đăng ký của doanh nghiệp.
Từ góc độ đó, chuyện một doanh nghiệp vừa đăng ký thành lập với vốn 144.000 tỷ đồng cũng nên được nhìn nhận tích cực.
Vì thế, rất đồng ý với Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn (Trưởng Ban Pháp chế – VCCI): “Tự do kinh doanh là một quyền quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp. Cá nhân tổ chức đăng ký kinh doanh là thực thi quyền đấy. Nhà nước có nghĩa vụ ghi nhận. Giấy đăng ký kinh doanh không phải là giấy phép, nó chỉ là sự ghi nhận từ phía Nhà nước là có doanh nghiệp muốn ra kinh doanh với số vốn dự kiến như vậy. Điều này cũng giống giấy khai sinh mà thôi”.
“Vốn khai nhiều không có nghĩa là lớn và vốn khai ít không có nghĩa là bé. Trên thế giới vẫn có những công ty 1 đô la nhưng có thể làm ăn rất bài bản. Ngay ở Việt Nam có nhiều công ty thực tế quy mô, phạm vi kinh doanh rất lớn nhưng vốn điều lệ lại rất khiêm tốn”.
Nếu ai quan tâm, xin tìm hiểu doanh nghiệp đứng sau dự án nhiệt điện 3,2 tỷ đô ở Bạc Liêu xem họ có vốn đăng ký mấy đô.
Hoàng Tư Giang