Virus Corona lan rộng, có nguy cơ bùng phát thành ‘đại dịch’

Với sự gia tăng đáng báo động số ca nhiễm không có liên hệ rõ ràng với Trung Quốc, các chuyên gia tin rằng căn bệnh giống cúm này có lẽ sẽ sớm đi đến giai đoạn không thể ngăn chặn.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm virus corona chủng mới đã tăng gần 25 lần trong một tuần, biến nước này thành nơi có nhiều ca nhiễm thứ hai sau Trung Quốc.

Tại Singapore, các ổ dịch có nguồn gốc từ hai nhà thờ, một hội nghị kinh doanh khách sạn, một cửa hàng sản phẩm y tế và một công trường xây dựng.

Tại Italy, vùng dịch nóng nhất châu Âu cho đến nay, giới chức y tế đã xác nhận 152 ca nhiễm trong 3 ngày.

Tại Iran, dịch bệnh bùng phát, với tỷ lệ tử vong lên đến 18%, đã dẫn đến các ca nhiễm mới ở Lebanon và Canada – dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy lần này virus có thể lây lan rộng hơn so với trước đây.

Chủng virus corona mới, gây ra căn bệnh được đặt tên là “Covid-19”, đang trên đà tiến đến giai đoạn đại dịch, khi dịch bệnh phát triển ở nhiều quốc gia, nhiều châu lục cùng lúc.

Trong bối cảnh có sự gia tăng đáng báo động số ca nhiễm không có mối liên hệ rõ ràng với Trung Quốc, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tin rằng căn bệnh giống cúm này có lẽ sẽ sớm đi đến giai đoạn không thể ngăn chặn, theo Washington Post.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa tuyên bố Covid-19 là đại dịch và những hậu quả tàn khốc nhất, bao gồm hơn 2.400 người chết, vẫn đang ở Trung Quốc. Song những tuyên bố từ tổ chức có trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ, đã trở nên đáng lo ngại hơn trong những ngày gần đây, khi việc khống chế dịch bệnh ngày càng trở nên nan giải.

“Cửa sổ cơ hội vẫn còn đó, nhưng cửa sổ cơ hội đang dần khép lại”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 21/2. “Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng trước khi nó khép lại hoàn toàn”.

Trong giai đoạn đầu của bất cứ dịch bệnh nào, chuyên gia y tế công cộng thường xuyên theo dõi các liên hệ của từng người bệnh. Các chuyên gia xây dựng sơ đồ cây những người có thể mắc bệnh, với các nhánh bao gồm bất kỳ ai có thể đã bắt tay với người bệnh hoặc bị người bệnh hắt hơi trúng. Song khi số ca nhiễm được xác nhận đã lên đến gần 80.000 người, việc truy tìm các liên hệ của từng người có thể sớm trở nên phi thực tế.

Nếu dịch bệnh trở thành đại dịch thực sự, một phần lớn dân số – một phần ba, một nửa, thậm chí hai phần ba – có thể mắc bệnh, nhưng không có nghĩa là ai cũng bộc lộ triệu chứng. Từ “đại dịch” gợi lên nỗi sợ hãi, nhưng nó mô tả mức độ lan rộng của dịch bệnh, chứ không phải là tỷ lệ tử vong của nó.

“Nếu chúng ta đi khắp thế giới và có một quả bóng ma thuật có thể phát hiện ra tất cả những người dương tính, chúng ta sẽ thấy điều đó ở nhiều quốc gia”, Michael Mina, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại tại Trường Y tế công cộng T.H. Chan Harvard, nói. “Không bao giờ biết được cho đến khi chuyện đó xảy ra”.

Các chuyên gia nghi ngờ virus đang lây lan một cách âm thầm.

“Tôi nghĩ chúng ta nên giả định rằng loại virus này sẽ sớm lan rộng trong cộng đồng ở đây, nếu nó chưa xảy ra và mặc dù có những hành động mạnh mẽ, chúng ta nên nỗ lực nhiều hơn để giảm thiểu tác động”, Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói.

“Điều đó có nghĩa là cần bảo vệ những người có khả năng mắc bệnh nặng và chết”.

Số ca nhiễm ở Italy đã tăng từ 5 lên đến 152 chỉ trong 3 ngày, tập trung ở hai vùng giàu có Lombardy và Veneto ở phía bắc, với 3 ca tử vong. Luca Zaia, chủ tịch vùng Veneto, cho biết việc theo dõi virus lan từ nơi này sang nơi khác đang trở nên khó khăn hơn.

“Nó càng lúc càng cho thấy rằng việc có những ca nhiễm khác là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Zaia nói.

Việc khống chế virus sẽ dễ dàng hơn nếu người nhiễm có biểu hiện triệu chứng rõ ràng hơn, như các ca Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng, hay SARS, vào năm 2003. Song những người nhiễm virus mới dường như không phải lúc nào cũng cho thấy dấu hiệu bị bệnh một cách đáng chú ý.

Trên thực tế, hầu hết ca Covid-19 đều nhẹ. Tài xế taxi và người tại các hội nghị kinh doanh đã phát tán virus và trong số hơn 600 hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật Bản đã cho kết quả dương tính, khoảng một nửa không có triệu chứng rõ ràng.

Thông tin rằng một số bệnh nhân phát bệnh rất lâu sau khi họ nhiễm virus cũng đang đặt ra câu hỏi về việc liệu thời gian ủ bệnh của virus có dài hơn 14 ngày hay không, có khả năng gây nghi ngờ về các tiêu chí cách ly đang được áp dụng.

Một nghiên cứu mới từ một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế, được đăng trên mạng hôm 17/2, ước tính rằng hai phần ba số ca nhiễm ở Vũ Hán, Trung Quốc, trước khi áp dụng các hạn chế đi lại vào ngày 23/1, là lây từ những người không được ghi nhận mắc bệnh.

Một báo cáo trên Tạp chí Y học New England cho thấy căn bệnh này có khả năng lây nhiễm cao nhất ngay sau khi mọi người bắt đầu cảm thấy ốm, lây như bệnh cúm. Một nghiên cứu được công bố trên JAMA hôm 21/2 ghi nhận trường hợp một cô gái 20 tuổi ở Vũ Hán đã lây bệnh cho 5 người thân, dù cô chưa bao giờ cho thấy dấu hiệu bệnh.

“Những gì chúng tôi thấy là loại virus này sẽ rất khó kiểm soát”, Jeffrey Shaman, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia và đồng tác giả của nghiên cứu đăng tải hôm 17/2, nói. “Về mặt cá nhân, tôi không thể nghĩ chúng ta có thể làm được”.

Kim Tiến