Nửa đầu tháng 2/2020, hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc trở lại
Những ngày đầu năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn không chỉ từ 2 kỳ nghỉ Tết dài ngày mà còn từ dịch bệnh Covid-19. Bước sang tháng 2/2020, hoạt động xuất nhập khẩu mới dần hồi phục. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 2, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 19,23 tỷ USD, tăng đến 32% so với kỳ 2 tháng 1/2020 và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể về xuất khẩu, trong nửa đầu tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt trị giá 9,6 tỷ USD, tăng 30% so với nửa cuối tháng 1/2020 (do có một tuần nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý); trong đó doanh nghiệp FDI đạt 6,78 tỷ USD. Luỹ kế đến hết ngày 15/2, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 27,86 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2019; riêng khối doanh nghiệp FDI chiếm tới 18,5 tỷ USD.
Về nhập khẩu, trong nửa đầu tháng 2/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 9,62 tỷ USD, tăng 33,7% so với kỳ 2 tháng 1; trong đó kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 5,8 tỷ USD. Luỹ kế đến hết ngày 15/2, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 28,27 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 16,5%. Nửa đầu tháng 2, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thâm hụt 30 triệu USD, luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/2, cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt 410 triệu USD.
Những ngày đầu năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn không chỉ từ 2 kỳ nghỉ Tết dài ngày mà còn từ dịch bệnh Covid-19. Hiện tại tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng. Trước tình hình này, Bộ Công Thương liên tục khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng. Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần dự tính phương án ứng phó với khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng, kéo dài dẫn đến việc giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn hơn nữa, thậm chí không thể thực hiện được, từ đó có phương án kịp thời chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, tiêu thụ trong nước hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh.
Về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, trái cây trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời tiếp tục theo dõi và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, doanh nghiệp khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Kim Phương