Doanh nghiệp Trung Quốc không trả nổi lương cho nhân viên vì đại dịch Corona

Ngày càng nhiều các công ty tư nhân của Trung Quốc buộc phải cắt giảm lương, chậm trả lương hoặc ngừng hoàn toàn việc trả lương cho nhân viên với lý do virus corona đã khiến họ không còn đủ tiền để chi trả các chi phí lao động.

Các công ty tư nhân Trung Quốc đang bị thiệt hại nặng nề do virus corona. Các hoạt động cầm chừng gây ra thua lỗ lớn dù vẫn phải trả lương cho nhân viên.

Để ngăn chặn sự lây lan của loại virus đã cướp đi hơn 2.000 mạng sống, chính quyền Trung Quốc đã khuyến khích mọi người ở nhà. Trung tâm mua sắm và nhà hàng trống rỗng; công viên giải trí và nhà hát đã đóng cửa; các hoạt động du lịch cũng bị cấm trên phạm vi cả nước.

Những việc làm hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của virus lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế. Ví dụ như, khi các lớp học bị hủy bỏ tại một trường đào tạo về mã hóa và robot ở Hàng Châu, nhân viên tại đây sẽ mất từ 30% đến 50% tiền lương. Công viên giải trí Lionsgate Entertainment World ở Chu Hải đã đóng cửa và các nhân viên tại đây buộc phải nghỉ không lương vô thời hạn.

Trên khắp Trung Quốc, các công ty đang lần lượt phát ra thông báo cạn kiệt nguồn tiền để trả lương cũng như thông báo ngừng trả lương cho một bộ phận nhân viên không thể đi làm vì dịch bệnh.

Việc cạn kiệt nguồn tiền lương là minh chứng rõ ràng nhất về tác động kinh tế đối với khu vực tư nhân đầy biến động của Trung Quốc – bộ phận tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế thứ hai thế giới này – đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ. Hoạt động tuyển dụng đã hoàn toàn dừng lại: Công ty tuyển dụng Zhaopin ước tính số lượng hồ sơ xin việc được nộp trong tuần đầu tiên sau khi dịch bệnh bùng phát đã giảm 83% so với thời điểm một năm trước đó.

Edgar Choi, chuyên gia pháp lý tại Trung Quốc, cho biết: “Theo luật, các công ty phải tuân thủ mức trả lương đầy đủ vào tháng 2 trước khi cắt giảm mức lương xuống mức tối thiểu. Đối với các công ty không có đủ tiền để trả lương, việc trì hoãn tiền lương là hợp pháp, miễn là cuối cùng nhân viên nhận được số tiền các công ty còn nợ”.

Tại nhà máy Thâm Quyến của Foxconn Technology Group, công nhân trở về sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được cách ly trong ký túc xá trước khi họ có thể trở lại làm việc. Họ vẫn được trả lương, nhưng chỉ khoảng một phần ba số lương trước đây của họ.

Ở thành phố Fuzhou, quản lý khách sạn Robert Zhang cho biết tất cả 100 phòng của ông đều không có khách lưu trí. Hai phần ba nhân viên vẫn phải làm việc và nhận được tiền lương nhưng, không nhiều như trước đây.

Ông Zhang cho biết: “Khi không thể hoạt động kinh doanh, chúng tôi sẽ không có tiền để trả cho nhân viên. Trong một hoặc hai tháng, tác động sẽ không rõ ràng ngay lập tức. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài và du lịch không hồi phục trong ba đến bốn tháng tới, nhân viên của chúng tôi sẽ bị khủng hoảng”.

Duy Anh