Các Bộ, ban ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc “giải cứu” nông sản xuất khẩu
Đầu năm 2020, do sự bùng phát của virut Corona nên nhu cầu tiêu thụ một số hàng nông sản tại Trung Quốc đã chững lại. Nhu cầu giảm cộng với việc đóng cửa giao dịch đã đẩy nhiều mặt hàng nông sản Việt vào cảnh khó, bị ùn ứ trên tuyến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Để “giải cứu” nông sản, nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả đã được Bộ Công Thương và các Bộ, ban ngành, địa phương quyết liệt triển khai…
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Để phòng chống dịch lan rộng, phía Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp hạn chế giao thương qua biên giới Việt – Trung, nhất là tại các cửa khẩu phụ/lối mở/điểm xuất hàng thuộc tỉnh các tỉnh Lạng Sơn (Cốc Nam, Tân Thanh); Lào Cai (Kim Thành); Quảng Ninh (Ka Long, Pò Hèn, Lục Lầm, Đại Vai, Lục Chắn, Đồng Văn, Vạn Gia). Trong khi đó nhiều mặt hàng nông sản của ta hiện chỉ có thể xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, chính vì vậy việc lùi thời gian mở cửa khẩu sẽ làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các loại nông sản này, đặc biệt là các mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như dưa hấu, thanh long…
Thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay chợ biên giới mở chậm hơn thường lệ, trước mắt là đóng đến ngày 8/2/2020 khiến trao đổi cư dân bị gián đoạn trong khi đây vẫn là hình thức trao đổi quan trọng đối với một số nông sản của nước ta, nhất là trái cây. Khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ. Trong khi đó đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản (như sầu riêng, chanh leo) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách vẫn đang diễn biến thuận lợi song nhiều khả năng bị đình trệ do các đoàn chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.
Đây là những nguyên nhân dẫn đến lượng khá lớn hàng hoá nông sản (chủ yếu là trái cây) của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang ùn ứ tại khu vực biên giới phía Việt Nam và trực tiếp tác động làm giảm kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động xuất nhập khẩu là tương đối rộng nhưng thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính ngạch khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản. Mặt hàng trái cây chịu sức ép thời vụ và bảo quản (cao su, cà phê, tinh bột sắn và thủy sản đỡ hơn) nên khó xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 1/2020 đạt đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4 % so với tháng trước, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu năm 2020 đang có mức thâm hụt 232 triệu USD. Riêng với Trung Quốc, tổng trị giá xuất nhập khẩu trong tháng 1/2020 đạt 8,29 tỷ USD, giảm sâu tới 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%.
Lý giải về tình hình xuất nhập khẩu giảm trong tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan cho biết lý do chính là do tác động tiêu cực của dịch virut Corona gây ra. Thêm vào đó tháng 1/2020 lại trùng với hai kỳ nghỉ lễ dài ngày (số ngày làm việc trong tháng 1/2020 chỉ có 16 ngày do nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý).
Trước tình hình trên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất, cư dân biên giới và doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ đã có chỉ đạo và các Bộ, ban ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp. Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường các giải pháp để đối phó với dịch bệnh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng đưa ra các giải pháp liên quan đến cả hoạt động xuất nhập khẩu và thị trường nội địa… Riêng với mặt hàng nông sản, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã làm việc với nhiều siêu thị, hệ thống phân phối tìm phương án hỗ trợ tiêu thụ trong nước. Bộ cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp logistics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng… để mở rộng hệ thống tiêu thụ hàng hoá ở các thị trường khác, không riêng gì Trung Quốc.
Với các lô hàng đang ùn ứ tại các cửa khẩu phụ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch với các lô hàng có đủ điều kiện. Khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức và khuyến nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản và cung cấp đủ điện cho các container lạnh.
Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trước tác động của dịch bệnh do virut Corona, trước mắt Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Bộ Công Thương không tiếp tục chuyển hàng nông sản lên biên giới nữa mà tập trung tiêu thụ tại nội địa, chế biến sâu sản phẩm. Trong công tác đẩy mạnh xúc tiến thương mại, để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong tháng 2, Bộ NN&PTNT sẽ có đoàn xúc tiến thương mại tại UAE và Mỹ; trong tháng 3 sẽ có đoàn sang Brazil và tháng 4 sẽ đi Nga và các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Về giải pháp lâu dài, cần tiếp tục đẩy mạnh quá cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, sản xuất theo tín hiệu thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa. Đồng thời, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường mới khác.
Xuân An