Nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam
“Có tới 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản có định hướng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam dựa vào tình hình tăng doanh thu, khả năng phát triển, mạng lưới sản xuất, bán hàng ổn định, chi phí thấp, dễ đảm bảo nguồn lực lao động, các quy định, thủ tục kinh doanh được nới lỏng…” là thông tin được ông Takeo Nakajima – Trưởng Văn phòng Đại diện tại Hà Nội của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) nêu ra tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại trụ sở Bộ Công Thương.
Tại buổi tiếp, ông Takeo Nakajima đã thông báo với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kết quả khảo sát của Jetro về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Kết quả khảo sát dựa trên thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á, châu Đại Dương năm 2019. Điểm nổi bật trong năm 2019 là số lượng các dự án đầu tư của Nhật Bản đăng ký tăng mức cao nhất từ trước đến nay với 655 dự án, lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản tăng, nhất là các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất tại Việt Nam có quá trình lâu dài trên 10 năm. Hiện có 65,8% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam kinh doanh có lãi, nhất là khối doanh nghiệp chế tạo hoạt động rất ổn định, chiếm tới 80%; tỷ lệ doanh nghiệp mới thành lập cũng đầy khả quan, dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng cao về lâu dài tại Việt Nam.
Qua khảo sát cũng cho thấy có tới 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi là có định hướng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, đứng đầu trong các nước ở ASEAN. Sở dĩ các doanh nghiệp Nhật Bản có định hướng tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam chủ yếu dựa vào tình hình tăng doanh thu, khả năng phát triển, mạng lưới sản xuất, bán hàng ổn định, chi phí thấp, dễ đảm bảo nguồn lực lao động, các quy định, thủ tục kinh doanh được nới lỏng… “Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản như sự ổn định của chính trị, xã hội, môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài, chi phí nhân công rẻ” – ông Takeo Nakajima nêu.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, ông Takeo Nakajima cũng đồng thời nêu ra những vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang hết sức quan ngại khi đầu tư tại Việt Nam như: chi phí nhân công của Việt Nam ngày càng tăng, tỷ lệ nghỉ việc cao; thủ tục hành chính dù đã được giảm đi đáng kể so với trước những vẫn cần phải được cải tiến hơn nữa; tỷ lệ nội địa hóa vẫn giữ ở mức 36,3 % mặc dù chỉ số tự động hóa trong sản xuất tại Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia khác là 18,2%….Ngoài ra doanh nghiệp Nhật Bản đang phải đối mặt với rủi ro chính là việc Chính phủ Việt Nam rút ưu đãi thuế thu nhập cá nhân trong khu kinh tế, các loại thủ tục xin cấp phép đầu tư phức tạp; lo ngại về việc hạn chế cung cấp điện…
Những năm qua Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).
Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Theo ghi nhận của Trưởng Văn phòng Đại diện Jetro tại Hà Nội, mặc dù các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn nhiều quan ngại về các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như chi phí, thủ tục hành chính, tỷ lệ nội địa hóa, song vẫn đặc biệt quan tâm và mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản, Jetro mong muốn Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Công Thương quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Năm 2020 là năm quan trọng của cả hai quốc gia khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Nhật Bản đăng cai thế vận hội Olympic. Vì vậy với vai trò của mình, Jetro sẽ bắt đầu triển khai các công việc ngay từ đầu năm 2020 nhằm thắt chặt, thúc đẩy hơn mối quan hệ giữa hai bên.
Đáp lại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải hoan nghênh kết quả khảo sát do Văn phòng Jetro tại Hà Nội nghiên cứu và đề nghị phía Jetro cùng phối hợp với Bộ Công Thương trong việc cùng tháo gỡ các khó khăn cụ thể như khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tìm các nhà cung ứng sản xuất linh kiện tại Việt Nam để giải quyết vấn đề về tỷ lệ nội địa hoá và phối hợp cùng Bộ Công Thương triển khai lựa chọn doanh nghiệp lớn có uy tín của Nhật bản hỗ trợ, tư vấn các nhà cung ứng, sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam như hiện nay Bộ Công Thương đang triển khai rất hiệu quả với các đối tác Hàn Quốc. Thứ trưởng cũng ghi nhận những đề xuất của Jetro và cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam. “Hiện nay diễn biến phức tạp của dịch virut Corona khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy Việt Nam đang mong muốn thúc đẩy hợp tác nhiều hơn với Nhật Bản để khai thác thị trường xuất khẩu vô cùng tiềm năng này” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.
Thiên Phú