Giải mã cơn sốt đất ảo khu vực Tây Hà Nội và cảnh báo cho nhà đầu tư

Thông tin lên quận, kế hoạch đầu tư xây dựng các siêu dự án lớn… đã hút giới đầu tư ùn ùn kéo về các địa phương phía Tây Hà Nội (Hoài Đức, Đan Phượng) để săn đất nền, đẩy giá đất ở khu vực này tăng chóng mặt…

Gần đây trên một số trang mạng về bất động sản, giá đất ở khu vực Đan Phương được chào bán tăng khá cao so với thời điểm giữa năm 2019. Đơn cử như tại batdongsan.com.vn đất ở Tân Lập, Tân Hội vị trí mặt tiền đường giao thông chính được chào bán với giá khoảng trên 50 triệu đồng/m2; trong khi vài tháng trước đó giá chỉ vào khoảng trên 40 triệu đồng/m2. Mức tăng trung bình khoảng 30-35%.

Giá đất thổ cư ở các làng, xã khu vực Đan Phương cũng đã hình thành mặt bằng giá mới vào khoảng 25 triệu đồng/m2 đối với các trục đường ô tô tránh nhau được. Khu vực Liên Trung, Liên Hà khoảng 15-18 triệu đồng/m2 vào hồi đầu năm giờ cũng tăng lên khoảng 22 triệu đồng/m2.

Dù không gần các siêu dự án nhưng đất tại Thị trấn Phùng cũng tăng giá mạnh khi có thông tin Đan Phượng chuyển lên quận. Cụ thể giá nhà đất ở thị trấn được chào bán dao động từ 65 – 70 triệu đồng/m2, ở những vị trí sâu trong các khu phố giá nhà đất cũng đã tăng lên trên 20 triệu đồng/m2.

Không chỉ Đan Phượng, một số khu vực Hoài Đức đất ở đô thị gần đây cũng tăng giá đáng kể. Giá nhà phố, biệt thự tại một số khu đô thị mới tăng trung bình khoảng 10 triệu đồng/m2. Bên lề sự kiện mở bán hơn 130 căn biệt thự, nhà vườn thuộc Khu đô thị Bắc Quốc lộ 32 (Hoài Đức), ông Đinh Quang Chiến – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm cho biết từ đầu năm đến nay giao dịch mua bán biệt thự và nhà phố tại Khu đô thị Bắc Quốc lộ 32 diễn ra khá sôi động, nhất là khi có thông tin Hoài Đức lên quận vào 2020. Giá nhà đất trong khu vực này theo đó cũng tăng chóng mặt, từ 22 triệu đồng/m2 vào đầu năm 2019 hiện đã tăng lên 30 triệu đồng/m2.

Quy hoạch Đan Phượng

Còn theo ghi nhận của Công ty CBRE Việt Nam, trong quý 4/2019  thị trường nhà thấp tầng tại Hà Nội có sự chuyển biến tích cực. Nguồn cung sản phẩm được chào bán ra thị trường tăng tới 82% so với cùng kỳ năm 2018 với trên 4.200 sản phẩm, trong đó có trên 3.800 căn chào bán thành công, tăng 47% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên CBRE Việt Nam cho biết trong năm qua mức tăng giá trung bình của biệt thự và nhà phố tại Hà Nội chỉ tăng khoảng trên 11% so với năm ngoái và 2,2% so với quý trước. Giá chào bán thứ cấp được ghi nhận tăng tại nhiều khu vực, đặc biệt là tại cụm dân cư mới ở các quận/huyện Gia Lâm, Hoài Đức và Hà Đông. Sở dĩ giá đất ở các địa phương này được đẩy lên cao xuất phát từ thông tin một số huyện ven Hà Nội được quy hoạch lên quận. Tuy vậy đây chỉ là chiêu trò hút khách của giới cò đất bởi trong số những huyện sắp lên quận của Hà Nội chỉ có Hoài Đức sẽ sớm đạt được các chỉ tiêu vào năm 2020.

Nguồn: CBRE Việt Nam

Còn theo lý giải của các nhà đầu tư, nguyên nhân dẫn đến sức hấp dẫn đất Đan Phượng còn đến từ siêu dự án Vinhomes Green City quy mô hơn 100ha của VinGroup hay một “ông lớn” bất động sản khác cũng sắp ra mắt một dự án có quy mô lên đến 200ha ở khu vực cách đó không xa. Do các siêu dự án này đều nằm trên địa giới hành chính của 4 xã Liên Hà, Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập nên giá đất tại những khu vực này tăng khá nhanh.

Theo các chuyên gia, vấn đề nóng sốt ở những khu vực vùng ven có thông tin qui hoạch hay siêu dự án đổ bộ đã đẩy giá đất tăng phi mã chỉ trong thời gian ngắn, dẫn đến nguy cơ “sốt ảo”. Thực tế này đòi hỏi các nhà đầu tư phải thật cẩn trọng trong từng bước đi cũng như khi thực hiện các giao dịch. “Việc lên quận đòi hỏi phải có lộ trình rõ ràng và cần rất nhiều thời gian. Chính vì vậy khi đầu tư đất tại Đan Phượng, Hoài Đức cũng như các thị trường vùng ven Hà Nội, nhà đầu tư cần có tầm nhìn trung và dài hạn, tránh kiểu đầu tư “ăn xổi” dễ dẫn đến tình trạng tiền mất tật mang”, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc Savills Hà Nội khuyến nghị.

Xuân Vinh