Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò “bà đỡ”
Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong phát triển kinh tế đất nước, thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp trọng yếu này.
Điển hình trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển các CNHT trong nước. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/QĐ-TTg với mục tiêu tập trung các nguồn lực của Nhà nước và cơ chế ưu đãi để cụ thể hóa ưu tiên phát triển CNHT. Về phía Bộ Công Thương, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thời gian qua Bộ này cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất là trong vấn đề tạo sự gắn kết với doanh nghiệp FDI.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua rất nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lý đã tạo bệ phóng cho lĩnh vực CNHT phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện số doanh nghiệp đang hoạt động trong CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hơn 600.000 lao động (chiếm 8% số lao động của ngành chế biến, chế tạo). Trong năm, doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp CNHT đạt hơn 900.000 tỷ đồng; đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển CNHT hiện vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có. Điều quan trọng là toàn ngành vẫn chưa có đủ điều kiện để bảo đảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm CNHT. Quá trình triển khai thực hiện các chính sách CNHT, kể cả sau khi có nghị quyết của Quốc hội, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách vẫn còn chậm, đặc biệt là nguồn kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp CNHT phát triển.
Để khắc phục những bất cập, tạo động lực thúc đẩy phát triển CNHT trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, nhà nước cũng cần phát huy vai trò “bà đỡ”, tích cực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, có chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, nhất là ngành ôtô, điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư. Chú trọng nâng cao năng lực doanh nghiệp trên cơ sở triển khai hiệu quả chương trình, bố trí vốn đầu tư xây dựng và phát triển 3 trung tâm hỗ trợ; hỗ trợ tín dụng, vốn vay, tháo gỡ vướng mắc thuế, hỗ trợ xử lý môi trường… “Quan trọng là phải có sự thống nhất, quán triệt bảo đảm sự đồng bộ và toàn diện trong các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện mục tiêu chung về CNHT. Ngành CNHT nói riêng – sản xuất công nghiệp nói chung không thể thực hiện thành công nếu như thiếu sự thống nhất quan điểm trong tổ chức thực hiện” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng nằm trong mục tiêu chung hỗ trợ doanh nghiệp CNHT phát triển, ngày 24/9/2019, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp đầu tiên của Việt Nam cũng đã chính thức đi vào hoạt động tại Hà Nội, đánh dấu bước tiến vượt bật của Bộ Công Thương trong nỗ lực đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung – doanh nghiệp CNHT nói riêng, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp sẽ hỗ trợ cho Cục Công nghiệp hoàn thiện chính sách và cung cấp dịch vụ xây dựng, công bố, khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, CNHT và hệ thống doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp về kỹ thuật, nhân lực, quản trị kinh doanh, làm chủ và đổi mới máy móc, kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất công nghiệp. Các dịch vụ hỗ trợ này, song song với công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp xuyên suốt toàn quy trình hoạt động, từ khi khởi nghiệp kinh doanh tới khi đi vào thực tiễn sản xuất, qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải.
Xuân Vinh