Điểm danh 5 dự án trọng điểm về chống hạn mặn của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ĐBSCL; trong đó tình trạng xâm nhập mặn đã và đang diễn biến phức tạp làm khu vực này bị tổn thương nghiêm trọng, hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân bị đe dọa. Để đối phó với tình trạng này, nhiều công trình chống hạn mặn, ngăn nước biển tấn công đã và đang được triển khai tại ĐBSCL.
Hồ chứa nước ngọt một triệu mét khối tại Ba Tri, Bến Tre.
Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri – tỉnh Bến Tre)
Dự án được khánh thành đưa vào sử dụng đầu tháng 8/2019 với tổng mức đầu tư khoảng 85 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và tỉnh Bến Tre (trong đó tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 10 tỷ đồng)
Đây hiện là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây, được xây dựng trên tuyến Kênh Lấp với chiều dài 7 km, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tình hình biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn những tháng mùa khô; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xung quanh khu vực…Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2017 trên địa bàn các xã Tân Xuân, Phước Tuy và Phú Ngãi (huyện Ba Tri), với công suất chứa hơn 800.000 m3 nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Tri. Trong điều kiện bình thường, công trình này có khả năng cung cấp đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt cũng như các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của huyện Ba Tri.
Dự án Quản lý nước ở tỉnh Bến Tre
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng được triển khai năm 2017 từ nguồn vốn vay của Nhật Bản, do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư,
Dự án gồm 2 hợp phần: hợp phần 1 – xây dựng các cống (8 cống và 1 trạm bơm), hợp phần 2 – hệ thống giám sát và quan trắc (56 trạm quan trắc do mực nước và độ mặn tự động). Riêng hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư, Bộ NN&PTNT đã ủy quyền cho UBND tỉnh Bến Tre thực hiện và quyết toán toàn bộ hợp phần này
Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần bảo vệ ngành nông nghiệp và đời sống của nhân dân địa phương trước tình trạng xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự khai thác quá mức thượng nguồn sông Mekong; kiểm soát mặn và cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, từ đó phục vụ việc phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre. Dự án còn giúp cho 110.000ha đất nông nghiệp được lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, thau chua, rửa phèn để canh tác. Bên cạnh đó, sẽ có hơn 200.000ha diện tích đất tự nhiên thuộc 9 huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre được kiểm soát mặn, ngăn triều cường, ứng phó với nước biển dâng; có khoảng gần 210.000 hộ dân ở tỉnh Bến Tre được cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Dự kiến, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sáu năm tới.
Dự án ngăn sông Cửa Trung (Tiền Giang) làm hồ nước ngọt
Sơ đồ công trình đắp đập làm hồ chứa nước ngọt sông Cửa Trung ở Tiền Giang.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng. Dự kiến, hồ chứa rộng 200-400 m, dài hơn 14 km, hai đầu sẽ đặt hai cống đập ngăn sông Cửa Trung – một nhánh dài 20 km, nằm giữa sông Cửa Đại và Cửa Tiểu. Công trình sẽ đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước cho sinh hoạt hơn 44.000 dân huyện Tân Phú Đông vào mùa hạn mặn.
Cống âu thuyền Ninh Quới (tỉnh Bạc Liêu)
Dự án được khởi công xây dựng vào cuối tháng 11/2018, trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc địa bàn ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), cách ngã tư Ninh Quới về hướng tỉnh Sóc Trăng khoảng 750 mét. Đây là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch xây dựng thủy lợi vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án do Ban Quản lí Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (thuộc Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian thi công là 29 tháng, gồm 2 hạng mục: Xây dựng cống Ninh Quới ( thay thế cống Ninh Quới cũ) và Cống âu thuyền Ninh Quới (hạng mục chính). Theo thiết kế, công trình có hai cống hở ở hai đầu và buồng âu thuyền dài 150 m; rộng thông nước hơn 31 m; cửa van bằng thép không gỉ, đóng mở bằng xi-lanh thủy lực. Cầu giao thông trên cống gồm một nhịp giữa và 8 nhịp biên, rộng 5,5 m
Đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào vận hành, giúp bảo toàn cho ít nhất 40.000 ha đất nông nghiệp của địa phương trong vụ Đông Xuân. Cống đưa vào sử dụng sớm đã kịp thời trữ nước ngọt từ Hậu Giang, Sóc Trăng chuyển về và ngăn nước mặn từ biển tràn vào.
Cống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang)
Dự án có tổng mức đầu tư 3.309,5 tỉ đồng, bắt đầu triển khai xây dựng đầu tháng 11/2019. Dự án gồm hợp phần xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chiếm diện tích sử dụng đất khoảng 54,5 ha, các hợp phần mô hình sinh kế và những hoạt động phi công trình triển khai tại nhiều địa phương khác. Hệ thống công trình gồm cống Cái Lớn cách cầu Cái Lớn khoảng 2.100 m về phía sông Hậu, cống Cái Bé cách cầu Cái Bé chừng 1.900 m về phía sông Hậu, đê láng nhựa nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với quốc lộ 61 (dài 5.843 m, mặt rộng 9 m), trên tuyến đê còn có nhiều cầu giao thông, cống ngầm…
Dự án Cống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2021, có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn – lợ, ngọt – lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha; kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai; giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do sụt lún đất); giảm thiệt hại hạn, mặn vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng; góp phần cấp nước ngọt; phát triển hạ tầng giao thông…
Thùy Nhiên