Thành phố Hồ Chí Minh muốn tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương ngày 30/12/2019, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm, ủng hộ nhằm tạo nguồn lực tương xứng, động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của thành phố.
Ông đề nghị Chính phủ cho phép thành phố này chủ động thực hiện “Đề án xây dựng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố cùng các địa phương giai đoạn 2021 – 2025”.
Hiện, tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP HCM là 18%, thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác, như Hà Nội (35%), Đà Nẵng (68%), hay Bình Dương (36%)… Thành phố đang triển khai xây dựng đề cương chi tiết đề xuất tiến độ tăng tỷ lệ để lại tổng ngân sách là 33% theo lộ trình trong vòng 10 năm. Theo đó, tỷ lệ điều tiết là giữ nguyên 18% đến năm 2020; sau đó tăng lên 24% vào 2021 – 2025. Tỷ lệ điều tiết này sẽ là 33% vào 2030. Đây cũng là mức điều tiết bằng với năm 2003.
Việc này, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, sẽ bảo đảm thành phố có điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.
Ông Phong đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho Thành phố xây dựng trung tâm tài chính quốc gia, tầm khu vực và quốc tế. Kế hoạch này sẽ được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm, tới 2030 của quốc gia. Việc xây dựng trung tâm tài chính tại đây, ông Phong nhấn mạnh, là cần thiết và là xu thế phát triển tất yếu.
“TP HCM là một trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, đầu tàu kinh tế của cả nước, sẵn sàng tiên phong thực hiện những nhiệm vụ mới vì cả nước, cùng cả nước”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu.
Liên quan tới hướng dẫn phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, lãnh đạo TP HCM đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường sớm ban hành, để địa phương thuận lợi khi thực hiện.
Minh Anh