Những mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD cho Việt Nam
Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 11 tháng năm nay, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có đến 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,6%.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8%, còn kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Điểm đặc biệt là khu vực kinh tế trong nước đạt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 18,1%, cao hơn nhiều tốc độ tăng 11 tháng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 3,8%. Đồng thời tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Cụ thể hơn, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2019 ước tính đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước, nhưng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 11 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8%, chiếm 69%.
Đáng chú ý, trong 11 tháng năm nay, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có đến 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,6%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 11 tháng năm 2019, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.
Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu tháng 11/2019 ước tính đạt 22,5 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 11 tháng có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 2 mặt hàng đạt trên 20 tỷ USD, chiếm 34,7%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 11 tháng năm nay, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 212,1 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 91,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 20,2 tỷ USD, tăng 11,6% và chiếm 8,7% (tăng 0,3 điểm phần trăm).
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 11 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 68,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 43,6 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; thị trường ASEAN đạt 29,6 tỷ USD, tăng 1,7%; Nhật Bản đạt 18,1 tỷ USD, tăng 3,5%; thị trường EU đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6,1%; Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 11,3%.
Duy Anh