Tổng thống Trump có thể không ký dự luật về Hong Kong

“Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng ủng hộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/11 nói trong chương trình “Fox & Friends”, đề cập đến dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong vừa được lưỡng viện quốc hội thông qua.

Tổng thống Trump ám chỉ khả năng không ký dự luật về Hong Kong đã được quốc hội thông qua khi đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Tổng thống Trump khẳng định Mỹ ủng hộ tất cả những điều mà nước này muốn làm, nhưng chỉ ra rằng Washington đang trong tiến trình đàm phán một thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử với Bắc Kinh. “Nếu chúng ta đạt được thỏa thuận này, điều đó sẽ rất tuyệt”, ông nói.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ khiến nhiều người cho rằng ông sẽ không ký dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong để biến nó thành luật, trong nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Dự luật được Thượng viện và Hạ viện Mỹ lần lượt thông qua vào ngày 19 và 20/11, trong đó yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu có thể hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ, duy trì vai trò trung tâm tài chính của thế giới. Dự luật cũng cho phép cấm vận những quan chức bị coi là vi phạm nhân quyền tại Hong Kong.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/11 triệu quyền đại sứ Mỹ William Klein để trao công hàm “phản đối mạnh mẽ” việc thượng viện Mỹ thông qua dự luật, đồng thời đe dọa sẽ có những “biện pháp đối phó quyết liệt và Mỹ sẽ phải chịu mọi hậu quả”.

Cả Tổng thống Trump lẫn Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brient đến nay chưa đưa ra bất cứ xác nhận nào về việc ký thông qua dự luật. Nếu Tổng thống không ký dự luật trong vòng 10 ngày kể từ khi được quốc hội thông qua, nó sẽ mặc định trở thành luật.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện John Barasso hôm 23/11 tuyên bố quốc hội sẽ “vượt quyền” Tổng thống nếu Trump không ký dự luật. “Dự luật nhận được sự ủng hộ áp đảo, các bạn biết đấy, 100 phiếu tại Thượng viện. Tôi cho rằng quốc hội sẽ qua mặt Tổng thống nếu ông ấy phủ quyết dự luật. Tôi khuyến khích Tổng thống ký nó”, Barasso nói với các phóng viên tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax 2019.

Các thượng nghị sĩ Cộng hòa khác như Ted Cruz hay Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch cũng đồng tình với Barasso, thúc giục Tổng thống ký dự luật. Phát biểu bên lề diễn đàn Halifax cùng ngày, Risch, một đồng minh thân cận của Trump, cho rằng việc Tổng thống phủ quyết dự luật có thể gây mất lòng các nghị sĩ.

Theo luật, quốc hội Mỹ có quyền “vượt mặt” Tổng thống Trump nếu ông phủ quyết một dự luật đã được lưỡng viện thông qua. Để thông qua một dự luật đã bị Tổng thống phủ quyết, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều phải bỏ phiếu với ít nhất 2/3 thành viên ủng hộ ở mỗi viện.

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong trong bối cảnh bạo lực leo thang trong các cuộc biểu tình cuối tuần trước, khi hàng nghìn người tập trung trong Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) từ hôm 17/11 để đối đầu với cảnh sát. Sau vài ngày cố thủ, phần lớn người biểu tình đã rời khỏi PolyU, trong đó khoảng 1.100 người đã bị bắt.

Biểu tình Hong Kong ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.

Huy Vũ