Đẩy mạnh liên kết để phát triển sản phẩm chủ lực tại TP. Hồ Chí Minh
Cần đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước – Nhà khoa học – Ngân hàng – Doanh nghiệp) trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố gồm cơ khí-tự động hoá, điện-điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y tế và nông nghiệp. Đây là ý kiến của các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP.HCM”.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết tại TP.HCM, thông qua Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố, đã rất chú trọng đến việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, với việc xác định lấy doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới khoa học và công nghệ trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Nhà nước-Doanh nghiệp-Trường, viện.
Đặc biệt, các sở, ngành thành phố tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng về mặt bằng, cơ chế vốn, khoa học-công nghệ, đào tạo nhân lực…
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, giai đoạn 2018-2020, thành phố có 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng là các sản phẩm công nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí-điện tử, hóa dược-cao su-nhựa, chế biến tinh lương thực, thực phẩm) và ngành công nghiệp truyền thống là dệt may.
Để hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương và các sở, ban ngành nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ, từ đó tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu… trong đó, cơ chế về vốn vay (các chính sách ưu đãi, kích cầu đầu tư) là một trong những giải pháp quan trọng.
Là một trong những đại diện của nhóm chủ lực trong liên kết theo mô hình này, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định, trong hơn 5 năm qua đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, chương trình cho vay bình ổn thị trường, cho vay các doanh nghiệp trong KCX – KCN, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Trần Anh Tuấn, chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.700 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là hơn 11.200 tỷ đồng; bình quân số vốn đầu tư một dự án là 84,69 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, qua chương trình cũng đã bộc lộ một số hạn chế do các doanh nghiệp đa số là vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong việc lập dự án và không có tài sản thế chấp nên không được các tổ chức tín dụng thẩm định, đồng ý cho vay nên chưa thể tham gia chương trình kích cầu; các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các dự án đăng ký tham gia chương trình kích cầu chưa thẩm định hết nội dung theo quy định như tính khả thi của dự án, khả năng tài chính, kế hoạch trả nợ…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho rằng tiềm năng của TP.HCM, khả năng liên kết “các nhà” đã có nhưng lại chưa phát huy được hiệu quả mạnh mẽ. Do đó, cần tiếp tục phân tích hiệu quả, những mặt được và chưa được của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết các bên mà thành phố đã ban hành.
Ông Lê Thanh Liêm cho rằng, việc hình thành mối liên kết “4 nhà” là tất yếu nhằm phát triển nguồn nhân lực, hình thành các sản phẩm mới và cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Lê Anh