Không xem tin xấu, độc, giả trên mạng thì làm sao biết đó là tin giả?

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng người dùng tốt nhất đừng tiếp cận các thông tin xấu độc trên mạng để không mang đến lợi ích cho những kẻ tung tin. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng người dùng sẽ buộc phải xem thì mới có thể phân biệt được các tin xấu, độc, tin giả trên Internet.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bổ sung cho câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xung quanh vấn đề tin giả, xấu độc trên mạng internet.

“Vấn đề là người đọc tin phải tự bảo vệ mình, phải biết phân biệt cái nào đúng, cái nào sai, cái nào thật, cái nào giả. Nếu không xem thì không thể biết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.

Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng người dùng cần tỏ thái độ với những thông tin xấu độc, tin giả trên mạng. Bộ trưởng cho rằng “chúng ta vẫn phải xem một lần”. Tuy nhiên, khi phát hiện thông tin xấu độc, tin giả, người dùng cần sử dụng phần “dislike” (không thích, không đồng tình) để bày tỏ thái độ với những thông tin đó.

“Trong đời thực, với một người làm việc xấu, thì ánh mắt nhìn thôi cũng có thể giúp ngăn chặn hành động sai. Trong không gian mạng, không có ánh mắt, nhưng chúng ta có những hành động dislike, chúng ta nên thể hiện thái độ phản đối. Mỗi cá nhân, mỗi người phải có cách để đấu tranh với những thông tin xấu độc, tin giả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trước đó, tư lệnh ngành Thông tin truyền thông cho rằng thông tin xấu độc, tin giả là vấn nạn toàn cầu chứ không chỉ của riêng Việt Nam. Thế giới đang phải đối diện với câu chuyện thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng. Thậm chí, những thông tin này còn gây ra những tác động to lớn.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần có hành lang pháp lý. Việt Nam đã có luật an ninh mạng. Các nước khác cũng có những quy chế mạnh tay với tình trạng này. Ở ASEAN, Singapore xử lý rất nghiêm tin giả với số tiền phạt lên tới hàng triệu USD, thậm chí là xử tù người tung tin giả.

Ở Việt Nam, tung tin giả có thể bị xử phạt tới vài chục triệu nhưng vẫn được chưa có chế tài nào nặng hơn. “Chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý tin giả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang làm việc với các nền tảng mạng xã hội nước ngoài trong việc chống lại thông tin xấu độc, tin giả. Bên cạnh đó, việc giáo dục, nâng cao nhận thức người dùng trên không gian mạng cũng cần được triển khai để đảm bảo mục tiêu này. “Giáo dục là biện pháp căn cơ. Rất nhiều quốc gia coi trọng câu chuyện để người dân có khả năng phân biệt thông tin tốt – xấu trên mạng, có khả năng phản biện, đấu tranh với thông tin xấu độc, thông tin tiêu cực”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Việc đọc thông tin xấu độc được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho là một cách để nuôi dưỡng những kẻ tung tin. Chính vì vậy, nhận diện thông tin xấu độc để né trách và không tạo lợi ích cho những kẻ tung tin là cách để giúp những thông tin này suy giảm.

Anh Đức