Viện Brookings: Hoa Kỳ sẽ đi sau Trung Quốc trong hợp tác chiến lược với các nước Đông Nam Á…
Trong một báo cáo vừa công bố, Viện Brookings (trụ sở tại Washington) đã làm phép so sánh về tầm ảnh hưởng kinh tế hiện tại của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đến khu vực Đông Nam Á; từ đó đưa ra cảnh báo nguy cơ Hoa Kỳ sẽ đi sau Trung Quốc trong quan hệ hợp tác chiến lược với các quốc gia trong khu vực này.
Báo cáo của Viện Brookings nêu nhận định thay vì xu thế toàn cầu hóa, chính sách ứng xử với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang khiến nền kinh tế chuyển hướng theo xu thế khu vực hóa. Trong một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc với quốc tế đã vượt qua Hoa Kỳ nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong khi đó chính quyền lại chỉ trích Sáng kiến này là một bẫy nợ tiềm tàng với các quốc gia tham gia.
Quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc có thể sẽ còn tiếp tục đạt được tiến triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực nhờ việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định thương mại tự do kết nối những khu vực kinh tế năng động và phát triển nhất hiện nay, bao gồm ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australiam New Zealand. Chỉ tính riêng dân số của các quốc gia trong RCEP đã chiếm hơn một nửa dân số thế giới, chính vì vậy đây là thị trường cực kỳ hấp dẫn.
Có thể thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á khá bền chặt, không chỉ vì vị thế là các đối tác thương mại hàng đầu của nhau mà còn do sự gần gũi về địa lý và quan hệ lịch sử, văn hóa. Nhiều khả năng ASEAN tiếp tục nâng cao quan hệ hợp tác và sản xuất với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều khả năng Trung Quốc đang để mắt tới Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP. Với tổng dân số của các quốc gia thành viên lên tới hơn 500 triệu người và tổng GDP khoảng 10,57 nghìn tỷ USD, CPTPP hiện tại là khu vực thương mại tự do lớn nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và lớn thứ ba trên thế giới. Nếu Trung Quốc tham gia, FTA này sẽ chiếm gần 30% GDP toàn cầu.
Trước đây, sự do dự của Trung Quốc về việc tham gia CPTPP là về sở hữu trí tuệ , bảo vệ môi trường, quản lý luồng dữ liệu, tiêu chuẩn lao động và cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần đáp ứng các tiêu chuẩn CPTPP. Trung Quốc đang tăng cường cải cách và mở cửa, có những cải tiến đáng kể trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây. Chỉ số bảo vệ sở hữu trí tuệ của Ngân hàng Thế giới cho thấy mức độ bảo vệ của Trung Quốc cao hơn mức trung bình của thế giới. Thêm vào đó, một khi Luật đầu tư nước ngoài mới được thông qua bắt đầu có hiệu lực, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Các vấn đề CPTPP khác như quản lý luồng dữ liệu, tiêu chuẩn lao động và cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng là những khía cạnh quan trọng trong quá trình cải cách đang diễn ra của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc gia nhập thỏa thuận kịp thời, nước này sẽ có thể tham gia sâu hơn vào hợp tác khu vực. Về lâu dài, việc tham gia CPTPP phù hợp với chiến lược phát triển của Trung Quốc và sẽ giúp thúc đẩy cải cách. Đồng thời, nó sẽ thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc mở cửa, giúp Trung Quốc có tiếng nói lớn hơn trong việc định hình thương mại quốc tế.
Hầu hết các thành viên CPTPP đều hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc. Đối thoại với bộ trưởng của Úc, Canada, New Zealand và Malaysia, cũng như các đại sứ từ New Zealand, Singapore và Nhật Bản, Trung tâm Toàn cầu hóa Trung Quốc đã nhận được sự hưởng ứng.
Trong bối cảnh đó, báo cáo của Viện Brookings đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ nên điều chỉnh các chính sách thương mại và đầu tư với khu vực Đông Nam Á bằng cách tăng cường quan hệ song phương với các đối tác mới nổi như Việt Nam, tăng cường phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng và thậm chí chỉ định một đặc phái viên của Hoa Kỳ để hỗ trợ vấn đề cơ sở hạ tầng của khu vực này. Báo cáo cũng đề nghị Mỹ nên tái đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề khu vực và toàn cầu, hợp tác nhưng có lập trường cứng rắn nếu như Bắc Kinh không tuân thủ luật pháp quốc tế, vi phạm nhân quyền.
Mai Quỳnh