93 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa đến hết năm 2020
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Với Quyết định này, 93 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước chỉ còn hơn 15 tháng để cổ phần hóa theo kế hoạch được Thủ tướng giao.
Cụ thể theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, có 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên; 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần. Hà Nội và Tp.HCM là hai địa phương có số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa nhiều nhất, cụ thể Hà Nội có 13 doanh nghiệp và Tp.HCM có đến 38 doanh nghiệp.
Với Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, 93 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chỉ còn hơn 15 tháng để cổ phần hóa theo kế hoạch được Thủ tướng giao. Đây thực sự là một áp lực rất lớn, một khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đang phải đối mặt với không ít thách thức, biến động.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, Tổng công ty có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp) đúng kế hoạch; xây dựng lộ trình tiếp tục bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đảm bảo phù hợp với tiêu chí.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, Tổng công ty phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; những trường hợp đặc thù, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành và các trường hợp đặc thù khác.
Thủ tướng yêu cầu với các doanh nghiệp thuộc diện nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần, nếu muốn giữ tỷ lệ vốn nhà nước từ 36% đến 50% vốn điều lệ cũng phải báo cáo chi tiết. Định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020, báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thời gian gần đây, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có xu hướng chậm lại. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước chỉ bán cổ phần lần đầu tại 6 doanh nghiệp thu về 562,7 tỷ đồng và thoái vốn tại 30 doanh nghiệp, thu về 4.589 tỷ đồng. Như vậy với Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sẽ không còn cái cớ nào để những người đứng đầu các Bộ, ban ngành, UBND cấp tỉnh cũng như doanh nghiệp có thể vin vào để lý giải cho sự chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, nhất là khi Quyết định này nêu rõ Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, Tổng công ty phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ quy định…
Kim Phương