76% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có kết quả kinh doanh không tốt

Đây là kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong thời gian giãn cách xã hội vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) thực hiện với 2.000 doanh nghiệp thành viên.

Kết quả khảo sát của Eurocham cho thấy Chỉ số BCI chỉ đạt 15,2 điểm, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong 3 tháng gần nhất (6 – 8/2021), tỷ lệ doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam có kết quả kinh doanh “không tốt” lên đến 76%, 29% trong số này cho biết kết quả kinh doanh của họ “rất tệ” do giãn cách kéo dài và chỉ 7% có kết quả kinh doanh tốt ở thời điểm này.

Dự báo trong 3 tháng tới, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khả quan hơn một chút nhưng nhìn chung vẫn ở mức “không tốt” (71% doanh nghiệp). Nguyên nhân chính được Eurocham chỉ ra là do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp; các khó khăn trong khâu vận tải, cung ứng hàng hoá và điều kiện thị trường.

Ngoài ra các doanh nghiệp EU tại Việt Nam còn gặp khó khi duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” với phần chi phí bị đội lên rất cao, chưa kể những tác động tiêu cực đến sức khoẻ và tâm lý của người lao động. Trong đó 71% doanh nghiệp cho biết công nhân của họ muốn về nhà sau thời gian dài làm việc tại nhà máy. 59% doanh nghiệp cho biết việc duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” quá tốn kém; 43% doanh nghiệp không đủ điều kiện để duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, nhất là về không gian, diện tích mặt bằng

Trong khi đó, hơn 50% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ hoang man, không biết phải làm gì nếu xuất hiện các ca F0 tại nhà máy do trước đó họ hoàn toàn không nhận được hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý và chính quyền. Còn gần 2/3 doanh nghiệp cho rằng thay vì để các địa phương tự quyết định gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần đề ra quy tắc tập trung cho hoạt động kinh doanh, qua đó mở cánh cửa thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành.

Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và các quy định giãn cách xã hội, hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài, dự báo các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và không loại trừ khả năng các doanh nghiệp EU sẽ dịch chuyển sản xuất tới các quốc gia khác trong khu vực”. Trên thực tế khảo sát của EuroCham cũng cho thấy có 18% doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã dịch chuyển một phần nhu cầu sản xuất hoặc đơn hàng sang các nước khác; 16% doanh nghiệp cho biết họ cũng đang cân nhắc đến vấn đề này.

Chia sẻ với truyền thông tại buổi họp báo sau cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Alain Cany – Chủ tịch EuroCham khẳng định dù rất khó khăn song các doanh nghiệp EU vẫn chưa có ý định rời khỏi Việt Nam. Điều mà các doanh nghiệp cần lúc này là các giải pháp căn cơ giúp tháo gỡ các rào cản đối với hoạt động thương mại cùng một lộ trình rõ ràng, cụ thể để căn cứ vào đó họ có thể tính toán thời điểm tái khởi động việc kinh doanh. “Yêu cầu tiên quyết hiện nay là cần có hộ chiếu vaccine điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước; thúc đẩy hơn nữa tốc độ tiêm chủng, ưu tiên cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các tỉnh thành, đưa hoạt động thương mại quay trở lại quỹ đạo ban đầu; đồng thời thống nhất các quy định tại các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động vận chuyển, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt” – Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh

Huệ Anh