6 tháng đầu năm, kinh tế 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng trưởng dương

Trong 2 quý đầu năm 2021, kinh tế 5 thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng trưởng tốt, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

Nổi bật tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều ở mức dương; trong đó Hải Phòng có tốc độ GRDP tăng trưởng cao nhất, là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hai con số (13,52%) và cũng là là thành phố duy nhất có động lực tăng trưởng kinh tế từ công nghiệp – xây dựng. Ngay sau Hải Phòng là Thủ đô Hà Nội với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,91%, Cần Thơ 5,61% và Tp.HCM 5,46%.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2021 được đánh giá là cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng lại thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Tương tự kinh tế Tp.HCM dù tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái song đây vẫn là mức tăng trưởng thấp thứ nhì của Thành phố trong vòng 10 năm trở lại đây.

Riêng Đà Nẵng với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,99% cho thấy kinh tế Thành phố đang dần hồi phục và thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020; trong đó tăng trưởng ở khu vực dịch vụ giữ vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế với đóng góp 3,51% vào tổng sản phẩm địa bàn (GRDP); công nghiệp – xây dựng cũng tăng trưởng mạnh trở lại, đóng góp 2,85% GRDP. Tuy nhiên nếu so sánh với 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại thì tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng đạt mức thấp nhất. Ngay cả khi so sánh với 5 tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung , chỉ số tăng trưởng của Đà Nẵng vẫn kém Quảng Nam (11,72%) và Thừa Thiên Huế (5,64%).

Trong 6 tháng đầu năm, xét về động lực tăng trưởng kinh tế của các thành phố trực thuộc Trung ương cũng có sự phân hóa. Cụ thể dù cả 5 thành phố đều có cùng cơ cấu kinh tế (dịch vụ – công nghiệp và xây dựng – nông nghiệp) song Hải Phòng lại có động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khu vực công nghiệp – xây dựng; 4 thành phố còn lại có động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khu vực dịch vụ

Đặt trong bối cảnh đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến hết sức phức tạp, điểm chung của 5 thành phố trực thuộc Trung ương chính là sự tỏa sáng của ngành bán lẻ hàng hóa và nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đóng góp nhiều nhất vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Cần Thơ trong 6 tháng đầu năm, chiếm tới 83,8% tổng mức thu của Thành phố. Theo sau là Hải Phòng với gần 83%, Đà Nẵng hơn 70%, Hà Nội hơn 68% và Tp.HCM là 56%.

Với lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, cả 5 thành phố đều ghi nhận chỉ số sản xuất tăng trưởng tốt với các ngành hàng chủ lực như: chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống, sản xuất trang phục, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất phân bón, sản xuất linh kiện điện tử…

Trong 6 tháng qua, do ảnh hưởng của 2 đợt tái bùng phát dịch nên lĩnh vực du lịch lữ hành tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương sụt giảm mạnh. Cụ thể tại Hà Nội, các hoạt động du lịch phải tạm dừng trong thời gian giãn cách xã hội, lượng khách sụt giảm, các công ty lữ hành gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động kinh doanh, tài chính và lao động.

Tại Đà Nẵng, trong khi toàn khu vực dịch vụ đang trong trạng thái phục hồi thì du lịch lại là ngành duy nhất vẫn còn rất khó khăn. Tương tự du lịch Hải Phòng cũng là ngành gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong làn sóng dịch thứ 4.

Do ít chịu ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng muộn, du lịch Tp.HCM và Cần Thơ có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, du lịch Cần Thơ đón hơn 2,1 triệu lượt, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu du lịch ước đạt 1.503 tỷ đồng, tăng 6,3%. Riêng Tp.HCM là thành phố trực thuộc Trung ương có lượt khách du lịch cao nhất cả nước với 7,75 triệu lượt khách nội địa (không có khách quốc tế), tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Anh