5.000 nhân viên Tập đoàn Trung Nguyên viết tâm thư tố cáo “hành vi bất chính” của bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Xoay quanh vụ ly hôn ồn ào, tốn nhiều giấy mực của của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên – ông Đặng Lê Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, mới đây Tập đoàn Trung Nguyên đã công khai đơn cầu cứu của tập thể 5.000 nhân viên công ty do Ban Chấp hành công đoàn cơ sở Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên làm người đại diện. Nội dung chính của lá đơn nhằm tố cáo “hành vi bất chính” của bà Lê Hoàng Diệp Thảo; đồng thời kêu gọi Cơ quan ban ngành, các cấp có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của 5.000 người lao động tại Trung Nguyên theo đúng quy định của pháp luật
Cụ thể đơn kêu cứu của tập thể người lao động Trung Nguyên nêu: Thương hiệu Trung Nguyên được ông Đặng Lê Nguyên Vũ và cha mẹ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước góp vốn thành lập vào ngày 15/8/1996. Hơn hai năm sau khi khởi nghiệp, năm 1998, ông Vũ kết hôn với bà Thảo. Dó đó, bà Thảo không phải là người sáng lập Trung Nguyên. Ngày 17/11/2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nộp đơn xin li hôn yêu cầu phân chia tài sản với ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Tòa án nhân dân Tp.HCM. Từ đó đến nay, bà Thảo đã liên tục có phát sinh tranh chấp kiện tụng.

Đơn của Công đoàn cơ sở Trung Nguyên nêu rõ: “Điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quyền lợi hợp pháp của người lao động. Nghiêm trọng hơn, bà Thảo đã liên tục có những đơn vu cáo gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bình Dương với nội dung bịa đặt thông tin sai sự thật về việc ông Vũ mất năng lực hành vi dân sự”.

Ngoài ra, đơn cũng nói “bà Thảo còn vu cáo và khủng bố tinh thần đối với một số lãnh đạo chủ chốt, các cấp quản lí và người lao động của Tập đoàn Trung Nguyên về việc cho rằng những người này đã thao túng, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của Trung Nguyên, vu cáo người lao động và Công ty Trung Nguyên làm giả hồ sơ, tài liệu”.
Ban chấp hành công đoàn cơ sở – Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên cũng cho hay thời gian qua Ban đã nhận được rất nhiều đơn thư khiếu nại từ người lao động, về việc đề nghị Ban chấp hành công đoàn xem xét, hỗ trợ giúp đỡ người lao động có thể an tâm làm việc, tạo môi trường làm việc thuận lợi, giúp bảo vệ uy tín, danh dự vào nhân phẩm của người lao động trước những tin tức bôi nhọ, xúc phạm được đăng tải trên các báo chí, truyền thông từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Các nội dung vu cáo, bịa đặt thông tin sai sự thật nói trên của bà Thảo đã được Cơ quan Công an có thẩm quyền bác bỏ. Tuy nhiên bất chấp các văn bản kết luận điều tra của Bộ Công an, cơ quan Công an có thẩm quyền, bà Thảo vẫn cố tình bịa đặt thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự – uy tín của Tập đoàn Trung Nguyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ cho người lao động.
“Trước tình hình đó, với tư cách đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở – Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên kính đề nghị Quý cơ quan có thẩm quyền quan tâm xem xét – bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động, bảo vệ uy tín và thương hiệu Trung Nguyên, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với hành vi vu cáo bịa đặt thông tin sai sự thật, phá hoại tổ chức của bà Thảo. Qua đó, giúp cho người lao động có thể an tâm làm việc, tránh gây ra những tâm lý bất ổn không cần thiết, tránh làm xáo trộn hoạt động kinh doanh sản xuất của Tập đoàn Trung Nguyên do những hành vi bất chính mà bà Thảo đã gây ra trong suốt thời gian qua” – đơn cầu cứu của Tập đoàn Trung Nguyên nêu rõ.
Trước tâm thư tố cáo của tập thể 5.000 nhân viên Trung Nguyên, trên Fanpage chính thức của mình và trong buổi gặp gỡ với phóng viên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã lên tiếng phủ nhận tất cả mọi cáo buộc. Cụ thể trên Fanpage cá nhân, bà Thảo cho biết nếu không có những đồng vốn của bà đưa cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong 3 thời điểm ngặt nghèo nhất (thời điểm mới lập nghiệp; thời điểm khi ông Vũ còn là 1 sinh viên nghèo vào Sài Gòn tìm người đỡ đầu; thời điểm ông Vũ lập nghiệp lại Long Xuyên năm 1997 và phá sản sau 8 tháng) sẽ không có một Trung Nguyên hùng mạnh như hôm nay để những kẻ tham lam vô độ hùa vào cướp trắng. “Hiện tại tôi vẫn đang tiếp tục gửi hồ sơ về những hành vi “rút ruột” Trung Nguyên của các nhóm lợi ích cho các cơ quan Công an và Cảnh sát điều tra. Tôi tin đây không phải là chuyện của gia đình tôi mà nó tổn hại đến các lợi ích của cổ đông và sự minh bạch trong hoạt động của một Tập đoàn lớn, cần phải đưa ra Tòa án hình sự” – bà Thảo nhấn mạnh.
Thời gian qua ồn ào ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận không chỉ bởi họ là những người nổi tiếng đứng đầu Tập đoàn Trung Nguyên mà còn bởi những phát ngôn hoàn toàn trái ngược từ cả hai phía. Cả bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên tục đưa ra những lý lẽ, những bằng chứng mới để cáo buộc đối phương. Nếu không phải là người trong cuộc và biết tường tận những bí mật che giấu của nhà Trung Nguyên thì thật khó để phân biệt được đâu là sự thật, đâu là lời giả dối.
Ngọc Hạnh