4 kịch bản u ám cho kinh tế toàn cầu vì COVID-19
“Sự suy giảm kinh tế có thể bao gồm suy thoái ở Mỹ, khu vực đồng EUR và Nhật Bản, mức tăng trưởng chậm nhất tại Trung Quốc và thiệt hại tổng cộng 2,7 nghìn tỷ USD, con số tương đương với GDP của Anh” là kịch bản cực đoan nhất được Bloomberg Economics dự báo.
Bloomberg cho rằng: Sự suy giảm kinh tế có thể bao gồm suy thoái ở Mỹ, khu vực đồng EUR và Nhật Bản, mức tăng trưởng chậm nhất tại Trung Quốc và thiệt hại tổng cộng 2,7 nghìn tỷ USD, con số tương đương với GDP của Anh.
Đó là kịch bản cực đoan nhất trong 4 kịch bản do Bloomberg Economics dự báo, dựa trên kinh nghiệm ở Trung Quốc và ở các quốc gia khác, ước tính rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và mô hình quy mô lớn của nền kinh tế toàn cầu.
Với rất nhiều điều còn bỏ ngỏ xung quanh quỹ đạo của dịch bệnh, cùng với phản ứng từ chính phủ và doanh nghiệp, các nhà dự báo không thể đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Nhưng 4 kịch bản này cung cấp các dự báo thông qua các quốc gia và ngành công nghiệp, và đánh giá thứ tự mức độ thiệt hại của họ.
Điểm khởi đầu cho phân tích của Bloomberg là những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi doanh số ô tô đã giảm 80%, lưu lượng du khách giảm 85% so với mức bình thường và PMI đang chạm mức thấp kỷ lục. Nền kinh tế Trung Quốc đã gần như dừng lại hoàn toàn.
Bloomberg Economics ước tính rằng tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên của năm 2020 đã giảm xuống còn 1,2% so với năm trước. Nếu Trung Quốc không nhanh chóng lấy lại phong độ vào tháng 3, dự báo đó có thể vẫn còn là lạc quan so với thực tế.
Kịch bản 1: Đòn lớn giáng vào Trung Quốc và lan rộng ra toàn thế giới
Đối với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc vừa là nguồn cung, vừa là nguồn cầu quan trọng, đồng thời cũng là trọng tâm của thị trường tài chính:
Năm 2019, nhập khẩu của Trung Quốc đạt 2,1 nghìn tỷ USD. Doanh số bán hàng ở Trung Quốc là nguồn thu lớn cho các công ty đa quốc gia. Khách du lịch Trung Quốc ở nhà gây thiệt hại cho tất cả các khu nghỉ mát bãi biển từ Nam Á đến các cửa hàng ở Paris.
Trung Quốc là nhà sản xuất linh kiện sản xuất lớn nhất thế giới. Khi các nhà máy Trung Quốc ngừng hoạt động, các linh kiện từ iPhone của Apple đến máy móc xây dựng đều khan hiếm hơn hơn.
Tác động đến các doanh nghiệp nhỏ là rất lớn.
Các cú sốc của Trung Quốc đã lan rộng khắp các thị trường tài chính toàn cầu trước đó, bao gồm cả sự phá giá CNY bất ngờ vào năm 2015. Coronavirus đang gây ra cú sốc tương tự, và trên quy mô lớn hơn, khi cổ phiếu lao dốc khắp thế giới, giáng đòn mạnh vào của cải hộ gia đình cũng như niềm tin kinh doanh.
Nếu Trung Quốc có thể nhanh chóng kiểm soát được sự bùng phát của dịch và các nhà máy hoạt động trở lại trong quý 2, tác động đến phần còn lại của kinh tế toàn cầu có thể được ngăn chặn.
Một cuộc khảo sát của Made-in-China.com, một trong những nền tảng chính kết nối các nhà cung cấp Trung Quốc và người mua toàn cầu, cho thấy rằng: Vào cuối tháng 2, 80% các công ty sản xuất đã hoạt động trở lại. Đến cuối tháng 4, tổng giám đốc Li Lei cho biết, năng lực sản xuất sẽ trở lại bình thường.
Nếu điều đó xảy ra, một cú sốc nghiêm trọng trong nửa đầu năm sẽ có thể được phục hồi.
Tuy nhiên, công nhân hiện đang quay lại nhà máy. Nhưng bây giờ họ đang chuẩn bị đối mặt với một vấn đề khác: Đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm mạnh.
Kịch bản 2: Bùng phát gây gián đoạn cục bộ
Điều gì xảy ra nếu vấn đề trở nên tồi tệ hơn? Trong kịch bản hai, nhóm nghiên cứu giả định rằng Trung Quốc mất nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường, một sự phục hồi có đồ thị hình chữ “U” thay vì chữ “V”.
Ngay cả khi các nhà máy hoạt động trở lại, không có nghĩa là tất cả các vấn đề đã được giải quyết, ông Li, người quản lý Made-in-China.com cho biết. Nhiều nhà máy không có đủ hàng tồn kho, tất cả các chuỗi cung ứng đều bị cản trở năng lực sản xuất.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng Hàn Quốc, Ý, Nhật Bản, Pháp và Đức, các nền kinh tế lớn khác ngoài Trung Quốc là các quốc gia đã chứng kiến nhiều trường hợp nhiễm virus nhất. Theo tính toán của, điều đó làm tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 2,3% so với dự báo đồng thuận “tiền virus (trước khi dịch bùng phát)” là 3,1%.
Kịch bản 3: Truyền nhiễm lan rộng
Tệ hơn nữa?
Trong kịch bản thứ ba, nhóm nghiên cứu dự kiến một cú sốc nghiêm trọng hơn đối với Hàn Quốc, Ý, Nhật Bản, Pháp và Đức. Và một cú sốc nhỏ hơn cho tất cả các quốc gia đã báo cáo bất kỳ trường hợp nhiễm nào kể từ đầu tháng 3, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Anh, Canada và Brazil, có nghĩa là tất cả 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều bị chậm lại khi họ chiến đấu để ngăn chặn sự lây lan của virus trong nước.
Trong kịch bản này, tăng trưởng toàn cầu năm 2020 trượt xuống 1,2%. Khu vực đồng EUR và Nhật Bản đi vào suy thoái. Tăng trưởng của Hoa Kỳ giảm xuống 0,5% khi được chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp trong năm bầu cử tăng cao.
Kịch bản 4: Đại dịch toàn cầu
Tệ hơn cả thế nữa thì sao?
Để nắm bắt tác động kinh tế của đại dịch toàn cầu, Bloomberg Economics giả định rằng tất cả các quốc gia trong mô hình đều phải đối mặt với một cú sốc nghiêm trọng tương đương với sự sụt giảm tăng trưởng mà Trung Quốc đang phải chịu trong quý đầu tiên.
Nếu điều đó xảy ra, tăng trưởng toàn cầu trong năm sẽ về không với Hoa Kỳ cùng khu vực đồng EUR và Nhật Bản. Nền kinh tế của Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 3,5% mức chậm nhất từ năm 1980. Trên toàn thế giới, sản lượng thiệt hại 2,7 nghìn USD.
Các nhà dự báo khác
OECD đã cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu xuống 2,4% từ 2,9% và cảnh báo rằng nó thậm chí có thể giảm xuống mức 1,5%.
Goldman Sachs dự kiến sẽ giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong nửa đầu năm nay. Dự báo gần đây về tăng trưởng GDP quý đầu tiên ở Trung Quốc dao động từ 5,8% cho đến -0,5%, cho thấy mức độ bất ổn cao.
Một bài báo năm 2006 của Ngân hàng Thế giới đã ước tính chi phí của đại dịch cúm nghiêm trọng có thể ở mức 4,8% GDP toàn cầu, không kém cạnh gì với năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Kim Oanh