3 ưu tiên hàng đầu thúc đẩy đóng góp FDI cho tăng trưởng Việt Nam
Khu vực FDI có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam nếu xác định được các ưu tiên rõ ràng hơn để phát huy vai trò của khu vực này, đặc biệt là tạo kết nối với khu vực công và doanh nghiệp tư nhân.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2019 diễn ra sáng nay 10/1 tại Hà Nội, bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch, Liên minh VBF cho rằng, các cơ hội xây dựng nền kinh tế Việt Nam bền vững như nhiều quốc gia trên thế giới là thấy rõ. Hội nhập toàn cầu tạo cơ hội để Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn có lợi cho Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài như mong muốn. Các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia có thể đảm bảo thành công của Việt Nam trong hội nhập thương mại. Tuy nhiên, hội nhập cũng dẫn đến những lo ngại về thâm hụt thương mại, ảnh hưởng đến sự ổn định tiền tệ, việc làm khu vực trong nước…
Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội tích cực trong dài hạn nhưng cần thiết lập các hệ thống chuẩn bị cho chuyển đổi (chuyển đổi số – PV) và cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút thêm FDI, và tăng cường liên kết chuỗi để đạt được nhiều lợi ích hơn từ những cơ hội này.
Theo bà Virginia Foote, Việt Nam có thể tập trung vào 3 ưu tiên quan trọng để phát huy vai trò, đóng góp của FDI cho tăng trưởng bền vững. Đầu tiên, nguồn vốn FDI có thể giúp Chính phủ và khu vực tư nhân xây dựng các hệ thống hiệu quả hơn, dành ít thời gian và tiền bạc hơn cho các thủ tục hành chính.
Nguồn vốn FDI luôn bị thu hút bởi các môi trường kinh doanh tuân thủ các thông lệ quốc tế, các tiêu chuẩn toàn vẹn trong kinh doanh, cạnh tranh mở, hệ thống thanh toán toàn cầu, cơ chế giảm sử dụng tiền mặt, giảm tham nhũng, thủ tục hành chính đơn giản, các chính sách có thể dự báo được…
Thứ 2, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là hiển nhiên và cấp bách. Việc giải quyết chất lượng không khí bị ô nhiễm và suy thoái môi trường do quản lý chất thải kém hiệu quả không chỉ cấp bách đối với sự bền vững mà còn là cơ hội to lớn đối với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, đồng thời hướng đến mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam cần ưu tiên tối ưu hóa sử dụng năng lượng tái tạo, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Việc quản lý và tái chế chất thải là tiềm năng khổng lồ ở thị trường Việt Nam bởi Việt Nam thuộc top đầu các quốc gia có lượng chất thải nhựa ra đại dương, trong khi Việt Nam đang phải nhập khẩu nhựa và giấy – 2 loại nguyên liệu mà lẽ ra nên được tái chế trong nước.
FDI sẽ bị thu hút bởi các chính sách của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chúng tôi sẽ sát cánh thực hiện các mục tiêu này. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam để phát triển nền giáo dục công và thiết lập các quy định chung đẻ xây dựng một Việt Nam xanh và sạch hơn.
Điểm quan trọng thứ 3 về vai trò của FDI đối với việc thiết lập nền hành chính và cơ sở hạ tầng cơ bản, tầm nhìn cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai. Việt Nam nên ưu tiên xây dựng hệ thống (hành chính-PV) mạnh để chào đón, khuyến khích và nuôi dưỡng nguồn vốn FDI, tập trung đổi mới liên kết (khu vực FDI – PV) với khu vực tư nhân.
FDI và khu vực tư nhân có thể phối hợp và hiện đại hóa và bồi dưỡng nhân tài Việt Nam trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo… để phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin, fintech, y tế và tiêu dùng.
Đổi mới sáng tạo là cơ hội tuyệt vời để thu hút đầu tư vào Việt Nam. Việc khuyến khích cả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào nghiên cứu, phát triển đổi mới, ở cả các tổ chức học thuật và trong các công ty, dẫn tới yêu cầu phải kiểm tra chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng có thể giúp mở ra chương tiếp theo cho thành công của Việt Nam.
Khánh Hòa