10 cổ phiếu Trung Quốc mà người Mỹ nắm quyền sở hữu lớn nhất

Theo một báo cáo của Morgan Stanley, các cổ phiếu Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ có tỷ lệ sở hữu lớn nhất của người Mỹ không bao gồm nhiều tên tuổi lớn quen thuộc với Phố Wall
Áp lực chính trị gia tăng từ cả Bắc Kinh và Washington đồng nghĩa rằng ngày càng nhiều công ty Trung Quốc có thể cần phải hủy niêm yết tại Mỹ và chuyển đến Hong Kong.
Tuy nhiên, hầu hết các cổ phiếu bị ảnh hưởng có tỷ lệ sở hữu của Mỹ thấp, theo một báo cáo của Morgan Stanley được công bố vào ngày 9 tháng 12. Và ngay cả những cổ phiếu thuộc quyền sở hữu đa số của Mỹ cũng không bao gồm những cái tên nổi tiếng như Alibaba.
Dưới đây là danh sách top 10:
- BeiGene
- Yum China
- Zai Lab
- JOYY
- Hello Group
- Trip.com
- iQIYI
- TAL Education
- New Oriental Education
- Baidu
Năm cái tên hàng đầu trong danh sách bao gồm các công ty công nghệ sinh học BeiGene và Zai Lab, Yum China – công ty mẹ của KFC và nhà điều hành ứng dụng hẹn hò Hello Group. Đứng thứ năm là JOYY, một công ty phát trực tiếp trước đây được gọi là YY.
Theo tính toán của CNBC về dữ liệu của Morgan Stanley đối với các cổ phiếu đủ điều kiện niêm yết thứ cấp ở Hong Kong, tỷ lệ sở hữu trung bình của Mỹ đối với 10 cái tên hàng đầu là 43%. Trung bình của 50 cái tên hàng đầu là 27%.
Con số này của Alibaba thấp hơn rất nhiều, với 13,1%, trong khi công ty khởi nghiệp ô tô điện của Trung Quốc Nio có thị phần cao hơn một chút với 20,4%.
Các công ty Trung Quốc như Alibaba, Trip.com và Baidu đã tổ chức các đợt chào bán cổ phiếu thứ cấp ở Hong Kong trong vài năm qua. Điều đó có nghĩa là nếu cổ phiếu niêm yết tại Mỹ bị hủy niêm yết, các nhà đầu tư có thể hoán đổi chúng lấy những cổ phiếu ở Hồng Kông.
Các công ty khác, như Nio và trang web phát trực tuyến video iQiyi, ngay lập tức đủ điều kiện để đưa ra niêm yết tại Hong Kong
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy rằng hơn 40 cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ không thể niêm yết ở Hong Kong trong hai năm tới vì chúng không đáp ứng các yêu cầu của sàn giao dịch về giá trị thị trường, lợi nhuận và các chỉ số khác.
Trong vài tháng qua, chính phủ Trung Quốc đã gây khó khăn hơn cho các công ty địa phương trong việc niêm yết tại Mỹ bằng cách yêu cầu đánh giá thêm về bảo mật dữ liệu.
Chỉ vài ngày sau đợt IPO tại Mỹ vào cuối tháng 6, ứng dụng gọi xe Didi của Trung Quốc đã phải tạm dừng đăng ký mới để chính phủ xem xét. Đầu tháng này, công ty cho biết họ sẽ hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York và niêm yết tại Hong Kong.
Morgan Stanley không đưa Didi vào báo cáo của mình.
Trong khi đó, áp lực lên chứng khoán Trung Quốc đang gia tăng từ phía Mỹ. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ vào đầu tháng này đã hoàn thành các thủ tục sơ bộ cần thiết để bắt đầu quy trình hủy niêm yết đối với các cổ phiếu Trung Quốc không cho phép chính phủ Mỹ kiểm toán các báo cáo tài chính trong ba năm liên tiếp.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Morgan Stanley dự đoán phải tới ít nhất là năm 2024 việc hủy niêm yết mới bị bắt buộc.
Các tổ chức hoặc các nhà đầu tư không phải người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những thay đổi như vậy. Các nhà đầu tư bán lẻ Mỹ chỉ chiếm khoảng 13% khối lượng giao dịch của Mỹ đối với các cổ phiếu Trung Quốc được niêm yết ở đó.
Ngọc Trung